(HNMO) - Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đã được nói đến rất nhiều nhưng vẫn chưa giảm. "Khi nào vỉa hè trở về đúng chức năng dành cho người đi bộ?" Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời?...
Vỉa hè được quy định dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho các phương tiện lưu thông. Thế nhưng đã từ lâu khái niệm này đã dần bị thay đổi...
Vỉa hè được trưng dụng làm nơi kinh doanh hàng quán, là nơi trông giữ xe trên diện tích nhỏ hẹp, cũng dễ dàng mọc lên các chợ cóc, những người bán hàng rong cứ thản nhiên lấn chiếm.
Từ trong ngõ nhỏ như ngõ 376 Thụy Khuê cũng trở thành nơi mua bán. Bà Đỗ Thị Nhị, nói: Ra đường chẳng còn chỗ mà đi bởi hàng quán đầy trên vỉa hè, người đến mua cũng lại dựng xe ở đó nên phải đi vòng xuống lòng đường để đi qua
Đến đường lớn như quốc lộ 1A cũng bị chiếm dụng. Trong ảnh là bãi giữ xe ở xã Hà Hồi, Thường Tín. Trần Hải Ánh, sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình, nói: "Đi bộ có một đoạn thôi mà mình cũng phải vượt và tránh các phương tiện khác cảm giác không an toàn, lơ đãng là có thể gặp tai nạn”.
Cột điện được trưng dụng để treo bán các mặt hàng...
và vỉa hè cũng là nơi để nuôi gà...
Người bán hàng ung dung ngồi đọc báo, bày hàng trên đoạn ngã tư cuối đường Văn Cao - Thụy Khuê
Hết vỉa hè, người đi bộ chẳng có chỗ để đi, còn nước lao xuống lòng đường “chơi trò vượt chướng ngại vật” gây mất an toàn giao thông.
Có bị cơ quan quản lý nhắc nhở thì họ lại di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác của vỉa hè và tiếp tục lấn chiếm. Trong ảnh là cảnh bày bán hàng ăn kín vỉa hè gần trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Cao Việt Anh, sinh viên Cao đẳng du lịch Hà Nội nói: “Vỉa hè trật kín hàng quán lấn chiếm, còn đâu chỗ dành cho người đi bộ. Cả những người đi ô tô, xe máy cũng mong muốn lòng đường không bị lấn chiếm để an toàn hơn khi tham gia giao thông”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.