Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vỡ òa niềm vui, vỡ òa hạnh phúc!

Thanh Tàu - Tiến Thành| 20/12/2014 06:37

(HNM) - 82 giờ đồng hồ trong hầm tối buốt lạnh, có lúc nước ngập đến cổ, 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện tưởng như tắt mọi hy vọng. 82 giờ, hàng triệu người dân như nín tiếng thở mạnh.

Toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt sau sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng) đã được cứu sống và đưa ra ngoài an toàn. Ảnh: Dương Giang – TTXVN



Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh: "Chúng tôi cũng không ngờ thành công lại sớm hơn dự định rất nhiều. Đây là một chiến công của lực lượng công binh. Công binh thực hiện đào "hầm trong cát" truyền thống nên đã thực hiện nhanh hơn, chỉ khoảng 20m đã tiếp cận được 12 nạn nhân". Lực lượng chủ đạo là những chiến sĩ công binh của Lữ đoàn Công binh 293 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Trong nhiệm vụ đào hầm này, tiến độ của lực lượng công binh vào khoảng 1 mét/giờ. Đây được coi là kỷ lục của lực lượng với hiện trạng địa chất như công trình này.

Khắc khoải chờ sự sống

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, ngoại trừ 2 người sức khỏe vẫn yếu, 10 nạn nhân còn lại của vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo đều tỉnh táo. Nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc (quê Nghệ An) - người phụ nữ duy nhất cũng là người yếu nhất trong số 12 nạn nhân với dấu hiệu suy kiệt như: Huyết áp giảm, choáng váng, Tuy nhiên, sau khi được sơ cấp cứu, tình hình sức khỏe chị Ngọc đã tạm ổn. Trong khi đó, nạn nhân Hoàng Đình Thịnh (quê Nam Định) ứa nước mắt thốt lên: "Bây giờ đã hết lạnh rồi. Hết lạnh rồi! Giờ chỉ mong gặp gia đình thôi!".

Bình tĩnh hơn, nạn nhân Trương Tuấn Việt (quê Hà Nam) kể: "Lúc hầm đổ sụp, chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Lúc đó tưởng bị chôn rồi. Nhưng khi thấy có lỗ khoan nhỏ, có cái ống thông vào, rồi tiếng anh em bên ngoài… chúng tôi đã hé lên hy vọng và động viên nhau cố gắng cầm cự!". Hoàng Văn Sơn (quê Nam Định) nghèn nghẹn xen vào câu chuyện, rằng 12 con người cứ chờ, chờ mãi, 1 ngày, 2 ngày vẫn không thấy ánh sáng, có những lúc cảm giác tuyệt vọng và mất hết niềm tin. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn nghe được tiếng những người cứu hộ ở bên ngoài động viên, được tiếp tế cháo sữa thông qua cái ống thông khí nên không có ai bị đói, chỉ có bị lạnh khi đêm đến và nước dâng cao.

Ông Phan Xuân Đăng (sinh năm 1964, quê Vĩnh Phúc), nạn nhân cao tuổi nhất trong vụ sập hầm kể lại những ngày kinh hoàng: "Mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Chúng tôi thay nhau giặt đồ, mỗi lần đi ngủ thì chia ca ra ngủ. Mỗi lần ngủ chỉ có 6 đến 7 người, những người còn lại sẽ thức để nghe ngóng thông tin". Với tình trạng sức khỏe khá ổn định, anh Nguyễn Văn Quang (quê Hà Tĩnh) nhớ lại giây phút được giải cứu: "Lúc ấy mọi người đang ngồi co ro trong hầm thì nghe tiếng động mạnh, rồi nghe tiếng gọi từ bên ngoài của các anh cứu hộ đã ở rất gần. Hai anh Nam và Tuấn lại gần vách ngăn thì phát hiện ánh sáng từ lỗ đào của các anh công binh. Mừng quá, hai anh hô lớn: Có người cứu rồi. Ngay sau đó cái lỗ bung ra, chúng tôi thấy ánh sáng ùa vào. 12 người chúng tôi vùng dậy ào đến khu vực lỗ đào và…" - Kể đến đây anh Quang bật khóc!

Cảm xúc dâng trào

Thật là điều kỳ diệu! Nếu như 3 ngày trước trời Lạc Dương mưa, lạnh buốt thì hôm qua, ngày thứ tư của vụ sập hầm, trời không còn ảm đạm, nắng ấm dần lên, mưa tạnh ráo. Ngắm nhìn bầu trời quang đãng qua ô cửa sổ, những nạn nhân vụ sập hầm bảo, đến giờ này, ngồi đây, giữa bao con người mà họ vẫn không tin nổi rằng mình đã sống, dù điều đó trở thành sự thật.

Lực lượng y tế đang tiến hành sơ, cấp cứu các nạn nhân. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN


Hôm qua, buổi chiều, khi mũi khoan từ trên xuống lại gãy, hàng trăm người đang cứu hộ và cả gia đình các nạn nhân lại khắc khoải với dự đoán, phải vài ngày nữa mới cứu được 12 công nhân gặp nạn. Lúc 16h30, binh nhất Hoàng Văn Thảo (Lữ đoàn Công binh 293, Bộ Tư lệnh Công binh) đào hầm phát hiện một lỗ hổng và nhìn qua thấy các công nhân đang ngồi bên trong. Không ai tin vào mắt mình! Lực lượng công binh còn không kịp báo cho các cơ quan chức năng vòng ngoài. Sau đó ít phút, khi hai công binh khom người trong đường hầm đi ra, trên vai là một người đàn ông mặc áo mưa màu xanh, nhiều người đang vận chuyển đất đá vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Chưa đầy 10 giây sau, một người đàn ông khác được cõng ra và lúc ấy tất cả mới vỡ òa. Giây phút ấy hàng trăm người trở nên như một, sau 4 ngày gồng mình nỗ lực đã có kết quả nhanh chóng đến bất ngờ. Mọi người nhốn nháo hỏi nhau: "Ra hết chưa, ra hết cả chưa?", rồi tất cả thở phào nhẹ nhõm khi sau đó vài phút những người tiếp theo được đưa ra. Người thì đi được nhưng có người phải nằm cáng. Có người quần áo đầy đủ nhưng cũng có người quần áo không còn lành lặn. Lực lượng cứu hộ dù đã gần như kiệt sức vì làm việc liên tục mấy ngày liền nhưng cũng cố hết sức dìu từng nạn nhân ra ngoài.

Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng kể: Lúc đang đứng gần cửa hầm thấy nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc vừa được đưa ra, bà Hồng mừng đến độ chỉ biết cởi chiếc áo khoác của mình giữ ấm cho chị Ngọc, rồi nước mắt cứ thế chảy ra.

Cảm xúc đến quá bất ngờ khiến cho tất cả như quên đi những mệt nhọc. Những tràng vỗ tay vang lên khắp công trường, một cảm xúc khó quên cho những người có mặt. Người thân của các công nhân vừa thoát nạn ôm chầm lấy nhau khóc, một số người lấy điện thoại gọi cho người thân hét toáng lên: "Thoát rồi. Sống rồi!". Một nạn nhân cũng chộp lấy điện thoại gào lên: "Cha ơi, con thoát rồi"!

Nhiều công nhân tham gia cứu hộ chợt òa khóc. Có người ngồi sững lại trước điều kỳ diệu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thốt lên: "Rất vui! Vui không thể tả!". Còn Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thì nói: "Không có niềm vui nào hơn lúc này. Họ đã làm được điều kỳ diệu!".

Trước cửa hầm rất đông người dân địa phương đến chứng kiến đã ôm chầm lấy lực lượng cứu hộ. Những đôi tay bắt lấy những đôi tay. Những cái ôm thật chặt dù chẳng hề quen biết. Tiếng vỗ tay reo hò, những dòng nước mắt trào dâng hạnh phúc khi 12 con người, 12 số phận đã phải gồng mình với nghị lực phi thường, đã phải đấu tranh trong lạnh giá, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Không vỡ òa hạnh phúc sao được, khi chính những người ở ngoài còn cảm thấy hồi hộp, lo âu, có lúc lại như cảm thấy gần hơn với tuyệt vọng.

Chiếc xe cấp cứu chở các nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được chào đón bằng rừng người hai bên đường.

Thủ tướng khen ngợi lực lượng cứu hộ

Chiều tối 19-12, ngay sau khi nhận được tin cứu hộ thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đa Dâng (Lâm Đồng), mặc dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và đã có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ.

Trong thư, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an, Sở Y tế, Điện lực tỉnh Lâm Đồng; UBND huyện Lạc Dương; UBND xã Lát; các bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công thương, Y tế; cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng); Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an); cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7, Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an TP Hồ Chí Minh; Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Sông Đà; các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng của các ngành tham gia công tác cứu nạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy truyền thống cao đẹp với tinh thần thương người như thể thương thân. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng động viên, thăm hỏi các công nhân bị nạn; đồng thời chỉ đạo các y, bác sĩ tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế để khám, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các công nhân bị nạn, hỗ trợ gia đình có khó khăn sớm ổn định trở lại.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vỡ òa niềm vui, vỡ òa hạnh phúc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.