(HNMCT) - Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Võ Nhai là vùng đất lịch sử cách mạng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Ngày nay, Võ Nhai được biết đến là một huyện vùng cao có điều kiện địa hình phù hợp, thời tiết thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng.
Đa dạng tiềm năng du lịch nông nghiệp
Huyện Võ Nhai nằm ở phía đông bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 47km. Nơi đây sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, hấp dẫn như hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, hang Sa Khao cùng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa giá trị, đó là di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Vang (xã Liên Minh) và nhiều di chỉ khảo cổ học khẳng định sự tồn tại của nền văn hóa Thần Sa. Võ Nhai còn là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan, Hoa..., hiện vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, y phục, các làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng.
Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng An toàn khu Võ Nhai nay đã “lột xác”, trở thành vùng đất trù phú, được bao phủ bởi màu xanh tươi tốt của cây cối, hoa màu. Võ Nhai được nhiều người biết đến bởi các loại cây ăn trái đặc sản đã thành thương hiệu, như na La Hiên; ổi, nhãn Phú Thượng; bưởi Tràng Xá... Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 tổ hợp tác, 54 hợp tác xã tập trung phát triển mô hình chuyên canh cây ăn quả và cây chè, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 1.280ha diện tích trồng chè, 1.564ha diện tích cây ăn quả. Giá trị sản xuất bình quân năm 2020 ước đạt 71 triệu đồng/1ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 14 làng nghề truyền thống, gồm 13 làng nghề chè và 1 làng nghề đậu phụ. Với tiềm năng này, Võ Nhai chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, tham quan vườn cây ăn quả và quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm như: Quy trình làm và thưởng thức món đậu phụ tại làng nghề đậu phụ xã Bình Long; thu hoạch, sao chè và thưởng thức trà đạo tại làng nghề chè Tân Thành (xã Tràng Xá); chăm sóc, thu hái các loại cây ăn quả; tham quan mô hình nuôi và thưởng thức ẩm thực chế biến từ cá tầm ở xóm Mỏ Gà...
Điểm sáng về du lịch nông nghiệp, cộng đồng
Hiện nay, du khách đến Võ Nhai không chỉ tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh mà còn kết hợp thăm các nhà vườn, làng nghề hay lưu trú tại các homestay ở xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng). Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 85%. Trong xóm có 13 hộ đồng bào dân tộc Tày hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống. Từ năm 2019, xóm Mỏ Gà được chính quyền địa phương đầu tư như là mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Ngay khi đặt chân đến xóm Mỏ Gà, du khách ghé thăm ngôi đình cùng tên được xây dựng năm 1920 theo lối kiến trúc đình làng truyền thống của vùng Bắc Bộ. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh đại vương. Tại đây, du khách sẽ được bà con dân tộc Tày, Nùng hướng dẫn cách giã và gói bánh giầy, bánh chưng đen hay bánh khẩu si. Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian thú vị như bịt mắt đập niêu, bắn nỏ, đi cầu tre...
Tiếp đó, du khách sẽ tới thăm cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống Dương Tươi, nơi gia đình nghệ nhân Dương Văn Ngọc đã có 4 thế hệ theo nghề của cha ông. Chia sẻ về nghề truyền thống nay chỉ còn duy nhất gia đình mình gìn giữ, nghệ nhân Dương Văn Ngọc, 71 tuổi cho biết: “Nghề mây tre đan là nghề truyền thống ở xóm Mỏ Gà, chủ yếu sản xuất các loại đồ thủ công phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của bà con dân tộc Tày như rổ ngàm bâm, sâng háng, dậu, mòi... Gia đình tôi sản xuất và bán cho người dân ở khu vực xung quanh. Gần đây, nhiều du khách tìm đến xem, trải nghiệm các công đoạn đan lát và mua làm quà. Nhờ đó, gia đình tôi cũng có thêm thu nhập bên cạnh việc trồng hoa màu và cây ăn quả”.
Bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) cho biết, xóm Mỏ Gà là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên được xây dựng với hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (2019 - 2022) có 4 hộ gia đình đang hoàn thiện và đi vào hoạt động, đón khách. Giai đoạn 2 (2022 - 2025) sẽ có thêm 10 hộ được trang bị để đón khách lưu trú. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn vào các chương trình tour để thu hút khách du lịch nhằm tạo nên nét văn hóa độc đáo cho du lịch cộng đồng, qua đó thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm đưa xã Phú Thượng trở thành một trong những “điểm sáng” về du lịch ở Thái Nguyên trong thời gian tới” - bà Hoa chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.