Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở cải lương "Hừng đông": Hấp dẫn với cách diễn hiện đại

Yên Nga| 11/01/2016 05:44

(HNM) - Hơn một năm chuẩn bị và dàn dựng, vở cải lương


Ra mắt đúng dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang đến gần, "Hừng đông" - tác phẩm hợp tác giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, rất được chú ý.

Tác giả kịch bản, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, chọn hình tượng là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bởi: "Trong đời sống nghệ thuật rất ít tác phẩm đề cập tới nhân vật này. Phan Đăng Lưu là người chiến sĩ cộng sản đặc biệt, có tầm nhìn, mưu lược và khôn khéo. Ở một giai đoạn cách mạng đầy khó khăn và bão táp, ông dùng vũ khí là báo chí, văn hóa để đấu tranh. Những cống hiến ấy đã góp phần tạo tiền đề quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám thành công". Kịch bản ban đầu gồm hơn 100 trang, nhưng vì yêu cầu của một vở diễn sân khấu, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã cân nhắc rút gọn lại còn một nửa.

Một cảnh trong vở cải lương “Hừng đông”. Ảnh: Anh Tuấn


7 cảnh diễn, khắc họa Phan Đăng Lưu khoảng những năm 1923 đến 1940, với các dấu mốc đủ toát lên hình ảnh, tài năng, đạo đức, nhân cách của ông. Cảnh đầu tiên, Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà, nêu bật được sự thông minh, bản lĩnh và hoài bão của ông. Tiếp theo là hành động từ bỏ vị trí viên chức trong bộ máy thực dân trở thành nhà hoạt động cách mạng, tham gia Hội Phục Việt, là đảng viên Đảng Tân Việt, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng này và Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Giai đoạn cống hiến sôi nổi và nhiều sáng tạo của Phan Đăng Lưu là những năm tháng ông hoạt động tại miền Trung. Dù bị đế quốc giam cầm trong nhà lao Vinh và Buôn Ma Thuột, ông vẫn là linh hồn, chỉ đạo đấu tranh cách mạng ở đây giành thắng lợi bằng báo chí, văn hóa, tư tưởng. Cuối năm 1939, Phan Đăng Lưu vào Nam Kỳ hoạt động, góp phần tích cực vào việc vạch đường lối, sách lược, chuyển hướng chỉ đạo cách mạng của Đảng tại đây. Và cũng hiếm người như ông, khi được đề cử vào vị trí Tổng Bí thư Đảng khi các nhà lãnh đạo khác đều bị bắt, ông khiêm nhường từ chối bởi đồng bào miền Nam đang cần ông - một người am hiểu tình hình ở đó và tiến cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư. Dù dự báo khởi nghĩa Nam Kỳ khó khăn, ông có thể bị bắt và tử hình, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn. Và một tất yếu đau đớn, khi cách mạng Nam Kỳ bùng nổ, kẻ thù dìm đồng bào trong biển máu, Phan Đăng Lưu bị bắt cùng nhiều đồng chí khác, rồi ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của đất nước.

Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu được tái hiện trong 2 giờ, với nhiều thủ pháp nghệ thuật sáng tạo và hiện đại. Ngoài kịch bản được tác giả thêm thắt nhiều chi tiết thú vị, gần gũi với đời sống thì điều tạo bất ngờ và ấn tượng nhất trong "Hừng đông" là đạo diễn đã mời CLB nghệ thuật có tên "HUB", đại diện cho người trẻ thời nay bước vào câu chuyện quá khứ, sống cùng những thời khắc lịch sử của nhân vật. Khoảng cách thời gian được xóa mờ dần, ban đầu các thành viên chỉ là người theo dõi câu chuyện, sau đó họ có nhận định, rồi phản ứng, bộc phát can thiệp cả vào tác phẩm kịch, thậm chí có lúc diễn cùng và cuối cùng họ dùng âm nhạc hiện đại của mình để nói lên những điều đã được trải nghiệm trong câu chuyện lịch sử.

Sự tác động qua lại ấy, vừa giúp cho một tác phẩm sân khấu về đề tài cách mạng trở nên đỡ khô cứng, vừa kích thích những người trẻ tìm hiểu về lịch sử, nhận ra truyền thống dân tộc, hồn cốt người Việt thấm đẫm từ quá khứ đến hiện tại. Bởi thế, những phần lồng ghép này luôn nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. Sân khấu đa phương tiện với kỹ xảo điện ảnh được sử dụng nhuần nhuyễn cũng góp phần không nhỏ tạo sự hiện đại, hoành tráng cho vở diễn. Diễn viên đều tròn vai dù đây là một đề tài rất khó nhớ lời thoại, đặc biệt là vai Phan Đăng Lưu. Nghệ sĩ Quang Khải (vai Phan Đăng Lưu) đã rất nỗ lực từ việc ép cân cho hợp nhân vật đến học tiếng Êđê. Đài từ trong toàn bộ vở diễn là giọng miền Trung của anh rất đáng ghi nhận.

Có chăng một đôi chút tiếc nuối khi khán giả được nghe hơi ít phần ca cải lương. Nhưng với cách dàn dựng này, những câu chuyện lịch sử dễ dàng được ghi nhớ, nhất là với thế hệ trẻ. Đó là thành công của "Hừng đông". Đài Truyền hình Việt Nam sẽ ghi hình vở diễn này và phát sóng trên kênh VTV1 trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vở cải lương "Hừng đông": Hấp dẫn với cách diễn hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.