Theo dõi Báo Hànộimới trên

VN không tăng trưởng nóng để hủy hoại tài nguyên môi trường

L.H| 18/11/2010 16:39

(HNMO) – Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước có 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn I, đến nay đã có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 74%) và 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 26%).

(HNMO) – Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước có 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn I, đến nay đã có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 74%) và 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 26%).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương như UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch di dời 1.402 cơ sở sản xuất kinh doanh, kết quả đã hoàn thành di dời đối với 1.261 cơ sở. UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch di dời gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành.

Mặt khác, hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển đô thị, làng nghề và khu công nghiệp; cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật, dioxin gây ra đã được đẩy mạnh trong xã hội. Môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại một số địa bàn trọng điểm như: khai thác than tại Quảng Ninh, khai thác mỏ đá tại Bình Dương, Đồng Nai… đã được giảm thiểu một cách đáng kể. Nhiều mỏ sau khi khai thác được cải tạo, phục hồi môi trường thành các khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoặc phục hồi lại đất để trồng cây (Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Dương…).

Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 3/7/2007 về phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý, đến nay đã có Bộ Quốc phòng và 42 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phê duyệt kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn 2 với tổng số 541 cơ sở phải xử lý (hiện đã có 132 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường).

Thủ tướng chính phủ cũng vừa phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường do háo chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các kho lưu giữ hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn quốc.


Sông Thị Vải đã cứu ra khỏi tình trạng ô nhiễm được 95%.

Những thông tin trên đã được Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến nêu ra trong Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ III, diễn ra trong ngày 18/11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại những kết quả đã đạt được, các bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường 5 năm (2005 - 2010); trao đổi và cùng thống nhất hành động về công tác bảo vệ môi trường trong thập niên mới; tạo bước chuyển biến căn bản về nhận thức của các nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 5 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường được triển khai liên tục, ngày một mở rộng. Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức 18 đoàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với 793 cơ sở, khu, cụm công nghiệp; chuyển hồ sơ và đề nghị UBND các địa phương xử phạt với số tiền trên 10 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường nước thải trên 1 tỷ đồng. Năm 2010, Bộ tiếp tục triển khai 6 cuộc thanh tra trên diện rộng đối với 307 cơ sở, khu công nghiệp tại 46 tỉnh, thành phố.

Nhận thức rõ công tác môi trường là hoạt động xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Phong trào bảo vệ môi trường của các ngành, các tổ chức chính trị ngày một phát triển; có khoảng 85% quy ước, hương ước cộng đồng có nội dung, quy định về bảo vệ môi trường như: “Cải thiện và sử dụng nguồn nước”, “Dòng sông quê hương”, “Môi trường và phát triển”…có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Mô hình tốt, gương người tốt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xuất hiện ngày một nhiều. Công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường nhờ đó được phát triển, hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cấp chính quyền, doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức về công tác bảo vệ môi trường, chưa thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư; công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên chưa thực sự có hiệu quả. Từ thực tế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường; khắc phục các tư tưởng chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp môi trường.

Tham luận tại Hội nghị, ông John Hendra, Điều phối viên thường trúc của Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam phải đối mặt và xử lý với 3 vấn đề thách thức. Đó là những nỗ lực trong bảo tồn đa dạng sinh học hiện vẫn chưa thành công, cần xác định rõ đây là trọng tâm thực hiện từ cấp TƯ tới địa phương; cần ngăn ngừa, chống suy thoái, giúp hạn chế tình trạng mô nhiễm môi trường mới. Bên cạnh đó về vấn đề biến đổi khí hậu, theo chương trình mục tiêu quốc gia cần một lượng vốn đầu tư rất lớn để phát triển những công nghệ sạch, năng lượng mới. Theo đó, Việt Nam cần có cơ chế tài chính huy động từ mọi nguồn lực, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam có thể sẽ không đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ 6 và 7 vào năm 2015 do vẫn có các khoảng cách lớn giữa các tỉnh thành và khu vực dân cư. Theo đó, Việt Nam cần phải đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - cog người – môi trường – xã hội. “Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường” – ông John Hendra khẳng định.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ III, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Trong những năm qua, Việt nam đã tranh thủ được những cơ hội thuận lợi, vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thoát khỏi tình trạng là nước kém phát triển và hiện là nước có thu nhập trung bình, phát triển ổn định. Năm nay, GDP của Việt Nam có khả năng đạt 6,7%. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với những vấn đề nóng bỏng, thách thức như: suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống quản lý môi trường từ TƯ đến địa phương, xây dựng các chính sách pháp luật như Luật môi trường, Luật đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra môi trường được đẩy mạnh hơn. Đáng mừng là sông Thị Vải đã cứu ra khỏi tình trạng ô nhiễm được 95%. Nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Theo đó, Phó Thủ tướng biểu dương những thành công mà ngành môi trường đã đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, hoạt động bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Đó là chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng một số nơi còn ô nhiễm, nhất là khu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, khu vực các làng nghề, khu đô thị. Việc khai thác tài nguyên còn chưa hợp lý, chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắn động vật hoang dã… Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam được dự báo là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất…

Kinh nghiệm từ một số nước đã phải gánh chịu hậu quả từ việc phát triển nóng trước mắt mà hủy hoại tài nguyên, thiên nhiên môi trường; Việt Nam sẽ không lặp lại vấn đề đó, phải lấy yêu cầu bảo vệ môi trường là thước đo cho sự phát triển bền vững. Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý ngành môi trường phải đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, sâu rộng vấn đề bảo vệ môi trường ra toàn xã hội. Trước mắt tiến hành rà soát ngay những chồng chéo trong pháp luật bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý; không nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, thay thế bằng các công nghệ mới, công nghệ sạch; xã hội hóa việc đầu tư bảo vệ môi trường; chú trọng hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực . Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành môi trường đề xuất Quốc hội tăng chi từ vốn ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường từ 1% lên có thể 1,5- 2% để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN không tăng trưởng nóng để hủy hoại tài nguyên môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.