Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội với bị cáo Hoàng Công Lương và đề nghị HĐXX trả hồ sơ do xuất hiện thêm 2 tình tiết mới.
Đại diện VKS tranh luận với các luật sư tại toà |
Cuối giờ chiều nay, phiên xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình bước sang phần tranh luận giữa đại diện VKS và các luật sư bào chữa.
Trong 40 phút, đại diện VKS Ngô Thị Thu Hằng trả lời hàng loạt câu hỏi của 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương những ngày qua, trong đó giữ nguyên quan điểm luận tội.
Tuy nhiên do có thêm 2 tình tiết mới, một là vi bằng cuộc ghi âm giữa ông Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC) và điều dưỡng Đinh Tiến Công; hai là có sự mâu thuẫn trong 2 công văn trả lời của Bộ Y tế ảnh hưởng trực tiếp đến việc định tội cho các bị cáo, do đó đại diện VKS đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm xác định sự thật vụ án.
Riêng vi bằng cuộc ghi âm, đại diện VKS cho rằng có dấu hiệu hợp lý hoá tài liệu để đối phó với cơ quan điều tra, cần tiếp tục đấu tranh làm rõ.
Không chấp nhận lời khai tại toà
Các luật sư chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng trong vụ án, tuy nhiên đại diện VKS phủ nhận. Cụ thể, thông tư hướng dẫn ghi âm, ghi hình có hiệu lực từ 18-3-2018, trong khi vụ án xảy ra từ 2017.
Về ý kiến cho rằng, cơ quan tố tụng chưa đảm bảo quyền của bị can, không mời luật sự dự cung, đại diện VKS khẳng định, BS Lương có quyền thực hiện quyền tự bào chữa, trong quá trình hỏi cung cũng đã tự giác hợp tác với cơ quan điều tra và khai không bị ép cung, nhục hình.
VKS cũng khẳng định không có vi phạm trong hoạt động hỏi cung. Bằng chứng, biên bản họp giao ban được cơ quan điều tra thu giữ vào chiều 30-6-2017, trong khi từ trước đó, bị cáo Lương đã có 2 lời khai, khai rõ được phân công nhiệm vụ tại đơn nguyên thận nhân tạo. Do đó việc cho xem lại ảnh biên bản họp chỉ để xác định lại lời khai, không có dấu hiệu dụ cung, mớm cung.
Trả lời câu hỏi của LS Ngô Thị Thu Hằng cho rằng bản luận tội không dựa vào chứng cứ kiểm tra tại toà, đại diện VKS nêu quan điểm: “Với những lời khai thay đổi tại toà của những người liên quan, chúng tôi có căn cứ khẳng định những lời khai thay đổi này không đúng sự thật khách quan nên VKS dựa theo lời khai ban đầu vì phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác”.
Cụ thể, 11 y, bác sĩ và điều dưỡng đều khai BS Lương được giao nhiệm vụ trước khi được cho xem biên bản họp giao ban.
Ông Hoàng Đình Khiếu, ông Hoàng Công Tình và ông Đinh Tiến Công đều thừa nhận nhiệm vụ Lương được giao. Trong đó lời khai ông Tình vào ngày 29-5 và 29-6 nói rõ, BS Lương có trách nhiệm chính trong ra y lệnh chạy thận, độc lập với khoa HSTC, do ông Khiếu phân công nhiệm vụ.
Bị cáo Hoàng Công Lương trong các lời khai từ 19/6 – 1/7/2017 cũng nhận được giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác tại đơn nguyên thận nhân tạo. VKS cho rằng việc quản lý, phân công điều trị được hiểu là một trong những hoạt động khác.
Tại toà, bị cáo Lương khai không được phân công nhiệm vụ nhưng thực tế có phân buồng cho BS Linh và BS Huyền, hướng dẫn điều trị các trường hợp khó, ra y lệnh cuối cùng, chiếu theo quy chế BV 1895 của Bộ Y tế, đây là thẩm quyền của Trưởng khoa.
“Luật sư nói rằng phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng VKS chỉ áp dụng khi lời khai của những người liên quan phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác và là những lời khai đúng thực tế khách quan”, đại diện VKS lập luận.
BS Lương buộc phải biết chất lượng nước RO
VKS lập luận, trong ngày 20-4-2017, bị cáo Lương là người ký đề xuất sửa chữa hệ thống RO số 2, trong đó có nội dung tẩy, rửa màng RO và có biết hệ thống được sửa chữa vào ngày 28-5.
VKS khẳng định đây không phải là hành vi nguy hiểm nhưng đặt ra trách nhiệm với vai trò của bị cáo Lương với vai trò là người ký.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại toà |
Đến sáng 29-5, chỉ nghe điều dưỡng thông báo hệ thống RO đã sửa xong, bị cáo đã ra y lệnh chạy thận, trong khi bị cáo buộc phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, dựa theo 2 căn cứ: Theo quyết định 3592 của Bộ Y tế về quy trình lọc máu; Dựa theo quyết định về quy trình lọc máu của BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, thể hiện trong bút lục 3812 và 817, trong đó gồm 8 bước. Bước 1 yêu cầu kiểm tra máy không còn chất sát trùng.
VKS cho rằng, với trình độ chuyên môn, chức trách nhiệm vụ được giao, bị cáo Lương buộc phải biết, điều này phù hợp với công văn trả lời của Bộ Y tế.
“VKS không cáo buộc Lương phải biết chất lượng nước theo tiêu chuẩn nào mà chỉ cáo buộc phải biết tầm quan trọng của nước RO, đảm bảo an toàn trước khi đưa vào cơ thể”, đại diện VKS lập luận.
VKS khẳng định, bị cáo Lương không phải là người chịu trách nhiệm nguồn nước, không chịu trách nhiệm về trang thiết bị y tế, cũng không bắt nếm, ngửi để xác định chất lượng nước.
Tuy nhiên trong quy chế nói rõ, Trưởng khoa lọc máu phải chịu trách nhiệm chất lượng nước trước khi chạy thận, với vai trò là người đề xuất sửa chữa, được giao phụ trách chuyên môn nhưng bị cáo chưa báo cáo Trưởng khoa, tự ý ra lệnh.
Về tranh cãi hành vi của bị cáo Lương có phải nguyên nhân khiến 8 người chết, VKS khẳng định nguyên nhân chính do Bùi Mạnh Quốc để tồn dư hoá chất trong nguồn nước, nhưng nguyên nhân thứ hai là do BS Lương không thực hiện các bước kiểm tra.
“Nếu được kiểm soát, khi Lương thực hiện đầy đủ các bước thì hậu quả không xảy ra hoặc trong trường hợp thực hiện đầy đủ nhưng hậu quả vẫn xảy ra thì trách nhiệm được loại trừ”, VKS nêu quan điểm.
Về trách nhiệm dân sự, VKS xác định công ty Thiên Sơn có hành vi vi phạm chuyển nhượng thầu, đối với những vấn đề liên quan đến ông Đỗ Anh Tuấn, nếu các luật sư có căn cứ thì kiến nghị để xử lý trong vụ án khác.
Phiên toà ngày mai sẽ tiếp tục phần tranh tụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.