(HNMO) - Năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên tới 20.892 tỷ đồng (tương đương 902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018. Thông tin trên được Tập đoàn Công nghệ BKAV công bố tại báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2019 và dự báo năm 2020.
Cũng theo báo cáo của BKAV, mặc dù không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nhưng tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018. Lý giải về nguyên nhân, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT BKAV cho biết, sự gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu và mã độc tấn công có chủ đích (APT) là nguyên nhân chính gây ra con số thiệt hại kể trên.
Cụ thể, tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc vẫn ở mức rất cao 57,70%. Tỷ lệ máy tính bị nhiễm virus do cài đặt phần mềm từ trên mạng lên tới 80%, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng. Tỷ lệ lây nhiễm virus qua USB là 55%, đã giảm tới 22% so với năm 2018 nhưng vẫn cao; virus lây nhiễm qua email tăng lên 20%. Số lượng máy tính bị mất dữ liệu lên tới 1,8 triệu lượt, tăng 12%.
Ngoài ra, có 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT nguy hiểm có tên gọi W32.Fileless. Loại mã độc này được ví là "tàng hình" khi không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường.
Dự báo về tình hình an ninh mạng năm 2020, BKAV cho rằng, hình thức mã độc tấn công APT sẽ tinh vi hơn, tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khó lường. Cùng với đó là sự xuất hiện những tin giả mạo, clip giả mạo với mục đích xấu...
Vì vậy, BKAV khuyến cáo người dùng, các cơ quan, tổ chức cần trang bị các biện pháp bảo mật an toàn, như: Đặt lại mật khẩu đủ mạnh cho máy tính, máy chủ; trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét virus cho USB; cập nhật bản vá lỗ hổng cho máy tính; nâng cấp phiên bản mới nhất của phần mềm diệt virus để có thể tìm và diệt virus. Với khách hàng dùng các thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) như router, wifi, camera giám sát, thiết bị đầu cuối... cần phải cảnh giác vì đây sẽ là điểm nóng về an ninh mạng khi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.