(HNM) - Trải qua 98 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ nhà báo cách mạng đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau này. Truyền thống 98 năm của báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là niềm vinh dự, tự hào song cũng là một trách nhiệm vô cùng to lớn đối với các thế hệ làm báo hôm nay. Hànộimới trân trọng giới thiệu ý kiến của một số nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội về vấn đề này.
Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai (Ban Văn hóa nghệ thuật, Báo Nhân Dân):
Trách nhiệm dự báo, định hướng
Nghề báo cho tôi nhiều cơ hội được trải nghiệm, chia sẻ và thể hiện phần nào trách nhiệm công dân trước đời sống xã hội. Tất cả những chuyến đi biên giới, biển đảo, vùng sâu, miền xa... của tôi đều xuất phát từ đặc thù công việc. Ngoài đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, chúng tôi có những cách tương tác, sáng tạo khác làm nên sự phong phú tinh thần và tư duy của mình.
Nhịp sống hiện nay, khi mọi kênh thông tin ở chế độ mở, sự cạnh tranh và tương tác báo chí được đẩy lên mức cao nhất, người làm báo càng phải có trách nhiệm với chính mình và nghề nghiệp để vừa giữ gìn, phát huy những giá trị cơ bản, không bao giờ thay đổi trong nghề, như đạo đức, năng lực, khát vọng, đồng thời hội nhập linh hoạt với chuyển động của đời sống quanh mình và xu hướng phát triển của đất nước, của thế giới.
Ngoài bảo đảm tốt nhiệm vụ cập nhật thông tin thì người làm báo nói riêng và các mô hình báo chí nói chung cần thể hiện bản lĩnh, tư duy để góp phần dự báo, định hướng trước những biến đổi của xã hội, thúc đẩy các giá trị văn minh, ưu tú. Trong những trường hợp đặc biệt, chúng ta cũng cần lắng đọng để phân tích, nhận định, khám phá các giá trị chưa được nhìn nhận đầy đủ... Nhiều góc nhìn, nhiều cách nhìn đặt trong nền tảng tinh thần nhân văn, phụng sự thời đại sẽ mang đến cho đời sống báo chí và công chúng những giá trị tích cực.
An Nhilược ghi
Nhà báo Lê Thái Hà (Ban Khoa giáo, Báo Tiền Phong):
Nghề nghiệp đã cho mình cơ hội để đóng góp cho xã hội
Hơn 20 năm theo dõi lĩnh vực y tế, tôi thấy mình thật may mắn bởi biết chắc chắn rằng những phóng viên như mình đã đem lại thông tin có giá trị đến với mọi người. Từ dịch SARS cách đây nhiều năm hay dịch sởi, sốt xuất huyết…, cho đến đại dịch Covid-19, những nhà báo viết về y tế đã góp phần tạo dựng ý thức của người dân đối với việc phòng, chống dịch bệnh.
Ở góc độ nào đó, nghề nghiệp đã cho mình cơ hội để đóng góp cho xã hội. Nhiều người hỏi tôi rằng, là phóng viên theo dõi ngành Y tế lâu năm thì sẽ gặp gỡ, quen biết nhiều quan chức ngành Y, các giáo sư, bác sĩ…, và chính sự thân thiết ấy sẽ “làm khó” cho nhà báo khi cần phản ánh những điều “chưa được”, thậm chí là tiêu cực của ngành Y. Thế nhưng, tôi luôn cố gắng để những bài viết của mình không bị chi phối bởi những mối quan hệ đó. Cho đến nay, tôi tin rằng mình đã làm được điều đó.
Khi viết về lĩnh vực y tế trong nhiều năm, cái được lớn nhất đối với tôi là hiểu sâu hơn về ngành Y, cảm nhận và trân quý sự vất vả, hy sinh của những người khoác trên mình tấm áo blouse. Từ đó chúng tôi, những phóng viên y tế càng nỗ lực truyền tải thông tin y tế cần thiết, kiến thức về phòng, chống bệnh tật đến với bạn đọc, góp phần nhỏ bé cùng ngành Y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thậm chí, nhờ kiến thức y khoa được tiếp nhận thông qua mỗi bài viết, nhiều nhà báo viết về y tế lâu năm đã trở thành “chuyên gia” tư vấn cho bạn bè, người thân… mỗi khi họ đau ốm. Chỉ riêng việc này thôi, tôi đã thấy mình được quá nhiều, thậm chí còn thấy “mắc nợ” nghề báo.
Thu Tranglược ghi
Nhà báo Nguyễn Thu Sâm (Báo Văn hóa):
Nghề báo mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị
Tôi may mắn được đồng hành cùng Đoàn thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao quan trọng như Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASEAN Games) và Thế vận hội (Olympic) từ năm 2009. Từ năm 2015, tôi được giao phụ trách truyền thông cho Đoàn thể thao Việt Nam. Kể từ đó, tại mỗi kỳ đại hội, tôi không chỉ tác nghiệp với vai trò một nhà báo, mà còn hỗ trợ các đồng nghiệp tác nghiệp, là cầu nối giữa Đoàn thể thao Việt Nam với các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, phối hợp tổ chức các cuộc họp báo của Đoàn thể thao Việt Nam trên đất bạn, xử lý khủng hoảng truyền thông...
Được đồng hành cùng Đoàn thể thao Việt Nam là vinh dự và là cơ hội lớn đối với một nhà báo thể thao. Mỗi kỳ đại hội qua đi, đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Như tại Olympic 2016, trước ngày thi đấu để giành tấm HCV lịch sử, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thèm món ăn Việt và từ nồi cơm tôi mang theo, chị Nguyễn Thị Nhung - HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia đã nấu một bữa cơm mang hương vị quê nhà trên đất Brazil. Ngày hôm sau, Hoàng Xuân Vinh bước lên bục danh dự và tôi tự hào khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của thể thao Việt Nam. Hay như tại Olympic 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid bủa vây, tôi trở thành nhà báo duy nhất từ Việt Nam sang tác nghiệp tại Đại hội. Khi đó, với sự giúp sức của các anh chị em trong Đoàn, tôi đã thực hiện nhiều bài viết, cung cấp nhiều video, hình ảnh quảng bá quá trình thi đấu cũng như tình cảm nồng ấm của cộng đồng người Việt Nam tại Nhất Bản dành cho Đoàn.
Nghề báo vất vả. Hầu như không có ngày nghỉ trong suốt nhiều năm qua nhưng tôi luôn cảm thấy tự hào được có mặt trong đội ngũ các nhà báo thể thao ngày ngày đưa thông tin nóng hổi tới người hâm mộ. Và tôi cũng may mắn khi được làm nhiệm vụ đưa tin Quốc hội. Mỗi mảng việc đều cho tôi những trải nghiệm đáng nhớ.
Ngân Hàlược ghi
Nhà báo Nguyễn Khánh Ly (Báo Hànộimới):
Giữ mãi lửa đam mê
Năm 2004, trải qua 3 vòng thi sát hạch đầy khó khăn, tôi nhận được thông báo trúng tuyển và trở thành phóng viên Báo Hànộimới, tờ báo Đảng Thủ đô vinh dự hai lần được Bác Hồ đặt tên.
Gần 20 năm gắn bó với mái nhà Hànộimới, tôi may mắn được gặp gỡ, làm việc cùng các nhà báo yêu nghề và giàu kinh nghiệm, những người đã tận tình chỉ bảo, giúp tôi vượt qua khó khăn, thử thách của nghề báo. Nghề báo cũng đã giúp tôi được đi khắp mọi miền của Tổ quốc, được gặp gỡ và tiếp xúc với những cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến. Nhờ uy tín của thương hiệu “Hànộimới” đã được bao thế hệ nhà báo đi trước dày công gây dựng, tôi và các phóng viên trẻ của Hànộimới khi đi tác nghiệp luôn nhận được tình cảm yêu thương, trân quý của người dân và cán bộ ở cơ sở. Chính sự tin yêu, quý mến này đã thôi thúc tôi và các phóng viên trẻ không ngừng học tập, rèn luyện để có thêm những tin “nóng”, bài hay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Báo Hànộimới trong tiến trình đổi mới và phát triển.
“Yêu nghề thì nghề chẳng phụ”, nghề báo đã mang lại cho tôi niềm vinh dự, tự hào khi đóng góp vào những tác phẩm báo chí của Báo Hànộimới đạt giải cao tại những giải báo chí uy tín của Trung ương và thành phố Hà Nội. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin được gửi lời tri ân chân thành tới những nhà báo lão thành của Báo Hànộimới, những tay viết sắc sảo đã truyền dạy cho chúng tôi kinh nghiệm quý báu để có thể giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề.
Nguyên Anhlược ghi
Phóng viên Nguyễn Thành Trung (Báo Tuổi trẻ Thủ đô):
Vượt qua khó khăn để trưởng thành hơn
Là một phóng viên trẻ, khi bước chân vào môi trường báo chí tôi đã gặp không ít khó khăn, từ việc làm quen với công việc cho đến sáng tạo tác phẩm báo chí. Cùng với đó, việc chọn lọc nguồn tin như thế nào là cả một vấn đề khiến những phóng viên còn non kinh nghiệm luôn trăn trở. Mặt khác, những phóng viên trẻ còn phải chạy đua với thời gian để “săn” tin “nóng”.
Đặc biệt, đối với những đề tài mang tính thời sự, người phóng viên phải nhanh nhạy trong việc xử lý thông tin sao cho chính xác, kịp thời truyền tải đến công chúng. Rất không may là có nhiều lúc phóng viên bị từ chối tiếp xúc hoặc trả lời phỏng vấn, vì nhiều lý do. Mỗi lần như vậy, tôi phải tự động viên mình rằng nghề nào mà không có khó khăn, quan trọng là phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành, gắn bó lâu dài với nghề báo. Chính từ những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, những va vấp với thực tế, những bài viết của tôi mới dần tốt hơn. Lúc đó, phóng viên trẻ như tôi cảm thấy hứng thú với nghề mà mình đã chọn. Nghề báo không dễ dàng, khả năng tai nạn nghề nghiệp cao và thậm chí là nguy hiểm...
Đối với tôi, những buồn vui, vấp ngã trong nghề báo có lẽ là hành trang để mình tự tin hơn trong việc tạo ra tác phẩm mang dấu ấn riêng của chính mình. Mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình cách riêng để đi đến thành công. Với tôi, quan trọng nhất là lòng quyết tâm và niềm đam mê nghiệp viết.
Phương Thulược ghi
Nhà báo Đỗ Thị Vân Quế (chuyên đề An ninh Thủ đô, Báo Công an Nhân dân):
Những bài viết như một ý kiến đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa Thủ đô
Nếu như báo chí là một ngành nghề đặc thù, mỗi phóng viên hay cán bộ công tác tại cơ quan báo chí đó đều phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nghề nghiệp, thì với chúng tôi - những nhà báo thuộc lực lượng công an các nguyên tắc đó thường là phải tuân thủ gấp đôi.
Trong phòng họp của cơ quan tôi có tấm biển mang dòng chữ: “Người Hà Nội hãy sống chân thực, biết hy sinh, khiêm nhường và kiêu hãnh”. Tôi vẫn hay ngẫm nghĩ về những dòng chữ này, rằng đó không phải là khẩu hiệu đơn thuần, mà là lời căn dặn của các thế hệ cán bộ, phóng viên An ninh Thủ đô lớp trước, để chúng tôi phấn đấu hoàn thiện bản thân và cống hiến.
Hơn 20 năm được phân công theo dõi các hoạt động văn hóa văn nghệ của Thủ đô, chừng đó thực sự là một “vốn liếng” quý giá giúp tôi có được góc nhìn riêng từ cách chọn đề tài, triển khai đề tài cho các loạt bài dự thi Giải Báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà trong 3 năm gần đây tôi và các đồng nghiệp An ninh Thủ đô đều vinh dự nhận giải A - giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Có loạt bài, chúng tôi đã phải đi lại đến 11 lần mới gặp được người cần phỏng vấn. Lại có nhân vật gọi chúng tôi đến gấp, dốc bầu tâm sự mấy tiếng đồng hồ, toàn những chi tiết “đắt”, phóng viên chắc mẩm có đề tài thú vị, nhưng kết thúc cuộc trò chuyện thì nhân vật lại tuyên bố “như đinh đóng cột” rằng “buồn thì gọi phóng viên tâm sự thôi”, và còn “dọa” nếu chúng tôi đưa tên nhân vật lên báo hoặc viết về những lời nhân vật kể thì lập tức sẽ gửi đơn kiện về tội “xuyên tạc, vu khống”! Nhưng cũng có những chuyện khiến chúng tôi cảm thấy vui, ấm áp. Bài viết sau khi lên báo, phóng viên được yêu quý, rồi coi như con cháu trong nhà, thi thoảng mời đến ăn cơm. Thậm chí có viên ngói trên nóc nhà rơi xuống cũng gọi nhờ phóng viên… đến sửa hộ! Song điều quan trọng hơn cả, những bài viết của chúng tôi như là một ý kiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô trên tất cả các mặt: Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử.
Duy Khoalược ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.