Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinamilk: Tham vọng vươn ra thế giới

Trang Linh| 02/06/2016 10:20

Sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường Campuchia, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định liên doanh đầu tư xây dựng Nhà máy sữa Angkor, nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại quốc gia hơn 15 triệu dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7%.

Ông Mai Hoài Anh – Chủ Tịch HĐQT công ty sữa Angkor kiêm Giám đốc Điều hành Hoạt động Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại nhà máy sữa Ankor


Khó có thể diễn tả niềm vui và tự hào của lãnh đạo và người dân Campuchia khi lần đầu tiên có một nhà máy sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng ngay tại Thủ đô Phnompenh.

Khởi đầu ngành công nghiệp sữa Campuchia

Toạ lạc trong Đặc khu kinh tế Phnompenh, với tổng diện tích gần 30.000 m2, nhà máy sữa Angkor có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD được xây dựng với thời gian chỉ hơn 1 năm. Trong giai đoạn 1, nhà máy Angkor Milk sẽ được vận hành với công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Đến giai đoạn 2 năm 2024, nhà máy sẽ đẩy công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm để phục vụ nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân tại Campuchia và khu vực.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sữa Angkor, ông Mai Hoài Anh cho biết, nhà máy sữa này được xây dựng đồng bộ từ khâu đầu vào nguyên liệu - chế biến - chiết rót cho đến đóng gói thành phẩm và được quản lý bằng chương trình quản lý tối ưu từ Tetra Pak, Thụy Điển – nhà cung cấp giải pháp và thiết bị ngành sữa hàng đầu thế giới, để kiểm soát toàn bộ khu vực chế biến, chiết rót, kết nối đồng bộ đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Toàn bộ các công đoạn từ thiết kế, xây dựng nhà xưởng đến lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất đều theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về An toàn thực phẩm và Môi trường.

Nói thêm về chiến lược đầu tư, ông Mai Hoài Anh cho rằng, sau nhiều năm tìm hiểu và nhận thấy tiềm năng của thị trường Campuchia và được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia, ngày 24/7/2013, Vinamilk đã cùng với Công ty BPC – nhà phân phối, đối tác chiến lược từ những ngày đầu của Vinamilk tại thị trường Campuchia – ký hợp đồng hợp tác liên doanh thành lập Công ty TNHH sữa Angkor trong đó đối tác BPC nắm giữ 49% cổ phần và Vinamilk là 51%. Tiếp theo đó, ngày 13/1/2014, Vinamilk đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao giấy phép đầu tư nhà máy sữa Angkor tại Thủ đô Phnompenh, trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam– Campuchia do Thủ tướng hai nước chủ trì. “Sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư, việc xây dựng nhà máy được công ty tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện trong thời gian ngắn, chỉ trong khoảng 18 tháng kể từ khi được cấp giấy phép đầu tư”, ông Hoài Anh nói.

Không giấu được niềm phấn khởi khi tới dự và phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, ông Thạch Dư, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại vương quốc Campuchia tin tưởng, đây là sự khởi đầu cho việc hình thành ngành công nghiệp sữa của Campuchia.

Theo Đại sứ Thạch Dư, quan hệ hữu nghị truyền thống, điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ hai nước là một trong những cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tính lũy kế đến tháng 5 năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án và 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia. “Việt Nam tiếp tục nằm trong top 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Và Angkor Milk có thể được xem là một trong những minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia”, ông Thạch Dư nói.

Tham vọng toàn cầu

Năm 2016 là vừa tròn 40 năm thành lập, đến nay Vinamilk đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam và đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế. Ngoài nhà máy sữa Angkor vừa khánh thành tại Campuchia, Vinamilk đã đầu tư 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), đầu tư và sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ), và đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc...

Chiến lược vươn ra toàn cầu của Vinamilk đã được đón nhận “nồng hậu”của những nước công ty đến đầu tư. Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy sữa Angkor, bà Men Sam On, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm bộ trưởng bộ quan hệ Quốc hội, Thượng viện và thanh tra vương quốc Campuchia khẳng định, nhà máy sữa Angkor ra đời sẽ không chỉ góp phần cải thiện sự phát triển kinh tế của 2 quốc gia mà còn đem lại lợi ích lâu dài trong việc phát triển thể chất và trí tuệ cho người dân, đặc biệt là trẻ em Campuchia– đối tượng luôn được quan tâm nhất. Theo bà Men Sam On, với việc Vinamilk đầu tư nhà máy sữa tiêu chuẩn quốc tế, sẽ giúp nước này bổ sung nguồn thiếu hụt sữa và giảm dần nhập khẩu. Đặc biệt, nhà máy cũng giúp phát triển kinh tế Thủ đô Phnongpenh, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, hạn chế việc lao động Campuchia phải ra nước ngoài làm việc.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk Bà Lê Thị Băng Tâm khẳng định và cam kết, nhà máy sữa Angkor được đầu tư trang thiết bị hiện đại từ Châu Âu, Mỹ, Nhật sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người dân Campuchia và khu vực trong nhiều năm tới, giúp người tiêu dùng Campuchia được sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tại chính đất nước này.

Trong thời điểm hình thành và hội nhập của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhà máy sữa Angkor như một điển hình trong việc tận dụng lợi thế cạnh tranh địa phương, mở rộng hoạt động sang các quốc gia trong khu vực, nhằm tăng cường hoạt động dịch vụ và giao thoa lao động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Với một chiến lược đầu tư bài bản, Vinamilk đang dần trở thành một doanh nghiệp sữa không chỉ hàng đầu Việt Nam mà còn ở khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinamilk: Tham vọng vươn ra thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.