(HNM) - Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn đạt mức tăng trưởng ngoạn mục. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 23 quốc gia.
Vinamilk phấn đấu lọt vào top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới. |
Đại diện Công ty CP Vinamilk cho biết, để làm ra sản phẩm sữa bảo đảm chất lượng, đòi hỏi phải có một quá trình liên hoàn, khép kín: Chăn nuôi, thu hoạch, chế biến sản phẩm... Từ yêu cầu đó, Vinamilk đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nhất là kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu và quy trình chế biến sữa.
Vinamilk là doanh nghiệp thu mua tới hơn 60% sản lượng sữa của nông dân, với lượng sữa tươi ngày càng tăng cao cả về chất lượng và số lượng. Để bảo đảm đầu ra cho nông dân, Vinamilk đã liên kết với hơn 5.000 hộ nuôi bò. Ngoài đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để có sản phẩm cao nhất, tốt nhất về chất lượng, Vinamilk còn cho đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8.000 con bò sữa (bò nhập ngoại, trong đó có 50% bò vắt sữa), cho 90 tấn sữa/ngày cộng với 61.000 bò sữa của nông dân với 460 tấn sữa/ngày. Vinamilk vẫn duy trì đồng thời hai nguồn cung cấp sữa bò tươi nguyên liệu (từ trang trại do Vinamilk làm chủ và thu mua từ các hộ dân) nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chất lượng cao, vừa tạo nhiều việc làm cho người nông dân vừa góp phần xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Thời gian tới, Vinamilk tiếp tục đồng hành cùng người chăn nuôi bò sữa Việt Nam với chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng con giống, tăng năng suất và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp. Trong đó có chương trình hỗ trợ bán bò giống, cung cấp tinh bò sữa chất lượng cao do Vinamilk nhập khẩu. Bên cạnh việc thu mua sữa, Vinamilk cũng kiểm soát chất lượng sữa tươi nguyên liệu thu mua từ hộ dân một cách nghiêm ngặt từ khâu khai thác, bảo quản, vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến trạm trung chuyển và đến nhà máy.
Từ giữa năm qua, giá nguyên liệu sữa thế giới liên tục tăng, các nhà sản xuất, kinh doanh sữa trong và ngoài nước đã phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Nhưng riêng Vinamilk, do có kế hoạch dự trữ nguyên liệu tốt, đã không tăng giá bán suốt cả năm, kể cả những mặt hàng không tham gia chương trình bình ổn. Sau một năm cố gắng duy trì giá bán ổn định cho người tiêu dùng, từ ngày 17-2-2013, Vinamilk đã phải điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm, khoảng 7%, để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012. Tuy nhiên, với những mặt hàng đang tham gia bình ổn giá (từ ngày 1-4-2012) như một số loại sữa nước, sữa bột cho trẻ em, người già và người bệnh, Vinamilk chưa điều chỉnh, vẫn thực hiện đúng theo cam kết của chương trình bình ổn giá cho đến ngày 1-4-2013.
Tính đến thời điểm này, Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand, 11 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam đã chạy hết 100% công suất; mỗi ngày sản xuất và đưa ra thị trường hơn 18 triệu sản phẩm. Vinamilk đã xây dựng nhà máy sữa Lam Sơn (Thanh Hóa); đưa vào hoạt động nhà máy sữa ở Đà Nẵng (từ năm 2012). Thời gian tới, Vinamilk phấn đấu trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.
Để phục vụ chiến lược tăng tốc phát triển, Vinamilk sẽ khánh thành 2 nhà máy chế biến sữa hiện đại nhất thế giới hiện nay vào đầu quý II năm 2013, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. "Siêu nhà máy" thứ nhất ở Bình Dương cho 400 triệu lít sữa/năm, tương đương công suất của gần 9 nhà máy hiện có của Vinamilk cộng lại; giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 800 triệu lít sữa/năm. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa, được vận hành bởi robot. Nhà máy thứ hai chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2 ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, công suất 54.000 tấn/năm. Sự đầu tư trên sẽ góp phần tạo ra năng suất lao động hiệu quả, quy mô sản xuất phát triển, tạo doanh thu lớn, lợi nhuận cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.