(HNM) - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa thông qua kế hoạch bán 6 tàu cũ để cắt lỗ và có vốn tái đầu tư. Điều đó cho thấy, trong quá trình đầu tư, cơ cấu đội tàu, Vinalines đã chạy theo thị trường mà thiếu những nghiên cứu mang tính chiến lược.
Lý giải việc phải bán tàu, đại diện Vinalines cho rằng, trong vài năm trở lại đây, đặc biệt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh vận tải biển rất khó khăn do giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm mạnh trên cả ba thị trường tàu hàng khô, tàu container và tàu chở dầu. Mặt khác, hầu hết đội tàu của Vinalines được đầu tư vào giữa giai đoạn đỉnh cao của ngành vận tải biển nên giá trị đầu tư cao, trích khấu hao lớn. Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên giá cước vận tải biển giảm tới 80-90%. Sự sụt giảm kéo dài khiến nhiều hãng tàu trong nước và thế giới đứng bên bờ vực phá sản, hiệu quả khai thác thấp.
Tàu Vinalines Trader đóng năm 1997, trọng tải 69.614 DWT sẽ được Vinalines thanh lý. |
Trong số 6 tàu cũ mà Vinalines lên kế hoạch thanh lý có 5 tàu hàng khô, gồm Vinalines Trader (đóng năm 1997), Vinalines Global (đóng năm 1994), Vinalines Star (đóng năm 1993), Vinalines Ocean (đóng năm 1993), Vinalines Fortuna (đóng năm 1991) và 1 tàu container là Vinalines Ruby (đóng năm 2012). |
Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GT-VT) nhận định, trước đây ngành Hàng hải tập trung vào tàu hàng khô vì giá rẻ, chi phí đầu tư thấp, khả năng hoàn vốn nhanh nên các tổ chức tín dụng dễ chấp nhận cho vay. Khi thị trường hàng hải khủng hoảng "thừa", những tàu thanh lý này chịu thiệt hại nặng, giá cước vận tải giảm nhanh nhất, trong khi tàu container và tàu hàng chở chất lỏng cũng giảm nhưng không nhiều. Điều đó cho thấy, trong quá trình đầu tư, cơ cấu đội tàu đã chạy theo thị trường mà thiếu nghiên cứu mang tính chiến lược.
Theo Vinalines, thời gian qua, Tổng công ty đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải biển thực hiện nhiều giải pháp quản lý, tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời tìm nguồn hàng để tăng hiệu quả khai thác tàu, bù đắp các khoản lỗ do giá cước giảm sâu, kéo dài. Tổng công ty cũng tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu các khoản nợ, lãi vay, giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tiếp tục khai thác trong tình hình thị trường hiện tại và dự báo không có sự tăng trưởng đột biến trong vòng ba năm tiếp theo thì kết quả kinh doanh sẽ lỗ nghiêm trọng, không trả được nợ gốc và lãi suất. Bán được tàu sớm sẽ giúp Vinalines cắt lỗ, giảm thiệt hại cũng như giảm áp lực tài chính, cải thiện nguồn vốn và tạo điều kiện cho việc tập trung dòng tiền để khai thác các tàu có tuổi đời trẻ hơn giúp kết quả kinh doanh chung khả quan hơn.
Mức giá bán tàu dự kiến được Vinalines tham chiếu với giá bán trên thế giới (lấy giá bán tàu cùng trọng tải trước đó một tuần trên thế giới) của một số đơn vị môi giới tàu thống kê. Đồng thời, phải thuê tổ chức định giá nhằm xác định giá trị tàu khi triển khai thực hiện phương án bán tàu. Mức giá này sẽ được báo cáo công khai với Bộ GT-VT. Bên cạnh đó, tàu là tài sản thế chấp vay ngân hàng nên khi bán phải có sự đồng thuận từ phía ngân hàng. Phương án bán tàu là cơ cấu nợ, cắt lỗ và xử lý nợ xấu cho ngân hàng (giảm chi phí lãi vay, thu hồi vốn vay). Hiện, mỗi tàu có một phương án bán riêng nên vẫn trong quá trình đàm phán với ngân hàng.
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, thẩm quyền quyết định việc thanh lý tàu hoàn toàn thuộc Hội đồng thành viên Vinalines. Bộ GT-VT yêu cầu phải rà soát, tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng các phương án giữ lại khai thác hay bán để cắt lỗ nhằm lựa chọn phương án tối ưu, sau đó báo cáo Bộ GT-VT và Bộ Tài chính giám sát quá trình thực hiện. Nguyên tắc trong việc thanh lý, nhượng bán tài sản phải bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản do vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.