(HNMO) - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang phát hành 6.000 tỷ đồng và 200 triệu USD chứng chỉ tiền gửi ghi danh dài hạn. Từ ngày mai, Ngân hàng này sẽ phát hành kỳ phiếu ngắn hạn với khối lượng 3.000 tỷ đồng và 100 triệu USD.
Từ ngày 13/5, VietinBank sẽ phát hành kỳ phiếu ngắn hạn đợt 1/2011 bằng VND và USD với mệnh giá tối thiểu là 1 triệu đồng và 100 USD với lãi suất hấp dẫn và các ưu đãi cộng thêm. Tổng khối lượng phát hành là 3.000 tỷ đồng và 100 triệu USD.
Kỳ phiếu ngắn hạn đợt 1/2011 của VietinBank là hình thức tiền gửi ghi danh với các kỳ hạn từ 3, 6, 9 tháng với phương thức trả lãi và vốn, gốc linh hoạt. Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất cố định 14%/năm ( kỳ phiếu VND) và 3%/năm (kỳ phiếu USD). Kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, lãi suất được điều chỉnh địnk kỳ 1 tháng/lần, 3 tháng/lần, lãi suất định kỳ đầu tiên (1 tháng đầu tiên, 3 tháng đầu tiên) là 14%/năm (kỳ phiếu VND).
Khi lựa chọn kỳ phiếu lãi suất cố định, khách hàng được trả một lần bằng tiền mặt cùng với tiền gốc khi đến hạn thanh toán. Đối với kỳ phiếu lãi suất thả nổi, trả lãi định kỳ 1 tháng/lần, 3 tháng/lần tương ứng với định kỳ điều chỉnh lãi suất. Thời gian phát hành kéo dài đến hết ngày 11/7/2011.
Trước đó, ngày 10/5, VietinBank đã phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dài hạn bằng VND và USD với tổng khối lượng 6.000 tỷ đồng và 200 triệu USD. Thời gian phát hành đến ngày 8/7/2011.
Chứng chỉ tiền gửi của Vietinbank có nhiều kỳ hạn gửi đa dạng với các kỳ hạn 12, 18 và 24 tháng.
Theo VietinBank, đây là sản phẩm linh hoạt theo nhu cầu khách hàng. Khi muốn sử dụng nhưng chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán, khách hàng không cần tất toán trước hạn, có thể cầm cố để vay vốn hay bán lại chứng chỉ tiền gửi cho ngân hàng, vẫn được hưởng nguyên lãi đã tính theo các định kỳ điều chỉnh lãi suất cộng lãi mua chứng chỉ tiền gửi. Đến hạn nếu khách hàng không đến thanh toán, ngân hàng sẽ tự động chuyển toàn bộ số dư gốc của chứng chỉ tiền gửi sang tiền gửi hoặc tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tương ứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.