Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết từ con tim một người lính

Nhà văn Nguyễn Uyển| 19/11/2010 07:09

(HNM) - Dù ai cũng biết, hồi ký là chuyện riêng tư của một người, để người ta nhớ lại những gì từng trải qua. Ai cũng biết, xưa nay hồi ký "đáng đọc" thường là của những nhân vật nổi tiếng, những vị có công khai quốc.

Vậy nhưng, "Một thời trận mạc" (Hội Nhà văn ấn hành) của một người lính có cái tên bình dị Dương Thanh Biểu ra mắt gần đây thu hút độc giả ngay từ những dòng đầu, bởi cái chất mặn mà, đằm thắm và gợi yêu thương đến lạ lùng.

Suốt 5 chương "Một thời trận mạc", với: "Ký ức tuổi thơ" - "Nhập ngũ" - "Hành quân đi B" - "Chiến trường Tây Nguyên" - "Trận cuối cùng và Ngày trở về" dần dần in đẫm dấu ấn trong người đọc. Tất cả đều sâu lắng, gợi nhớ, gợi yêu thương về làng Ngũ Phúc trải dài ven bờ sông Lam, nơi tác giả cất tiếng khóc chào đời. Ở đó có sông, núi ôm ấp lấy xóm làng như mẹ hiền ôm ấp chăm bẵm con thơ. Làng dịu hiền nhưng ăm ắp kỳ tích, sự tích những chiến công. Làng như chiếc nôi kỳ diệu, như tổ ấm của gia đình, của dân làng Ngũ Phúc để Dương Thanh Biểu và bè bạn vì nó mà biết sống, biết nghĩ suy, biết xếp đặt lợi ích chung riêng, hăng hái lên đường ra trận, cứu nước. Hồi tưởng của Dương Thanh Biểu về làng Ngũ Phúc một thời dân tộc hừng hực khí thế chống Mỹ; về hậu phương với tiền tuyến, về người ở lại với người ra đi sẽ là khúc bi hùng cho thế hệ sau của làng nhớ về, biết về: "Đất nước của ta có những thời như thế!".

Ngày ấy - Dương Thanh Biểu hành quân vào chiến trường miền Nam, tức đi B, đem theo nỗi nhớ của làng, của tổ ấm gia đình, của người yêu… Biểu vượt lên gian khổ, khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh. Nhiều lúc lung lay, sợ hãi, cái chết kề bên nhưng nhờ những kỷ niệm đẹp đẽ, yêu thương đã vực anh dậy, quyết chí cùng đồng đội chiến đấu. Khâm phục Biểu và đồng đội của anh nơi chiến trường Tây Nguyên với những trận vây lấn cứ điểm Plâycần, Đăk Siêng (Kon Tum). Tác giả kể lại bằng những từ ngữ giàu tượng thanh, tượng hình nên khi đọc cảm giác mình cũng đang trong chiến trận cùng với các anh. Ở đây ta được chứng kiến những tấm gương quyết chiến quyết thắng đến hơi thở cuối cùng, viên đạn cuối cùng của Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàn, của Loan, Hồng, Thực, Biểu... sống chết vì nhau, giữ vững trận địa đến cùng.

Rời Tây Nguyên năm 1973 vì vết thương quá nặng, Biểu trở ra Bắc cùng bao buồn đau: Gia cảnh tan nát, cha chết vì bom, nhà cửa tiêu điều, chị gái vẫn ở vậy, các em đi ở đợ, người yêu cũng đã ra đi… Nhưng rồi, ý chí của những ngày ở chiến trận đã vực dậy, dồn tụ nên sức mạnh để Biểu lại gắng vượt lên, bước tiếp vào trận chiến mới - Trận tuyến không tiếng súng!

Dù những trang viết rất kiệm từ, mới chỉ ghi lại "một thời" trong cuộc đời của mình, nhưng cái dễ dàng đi vào lòng người đọc giống như một áng văn, bởi tác giả kể thật, nói thật tâm tư, suy nghĩ của mình ở những thời khắc cam go nhất. Ngôn từ không có chất hùng biện, không che đậy, chẳng hề lên gân, lên cốt. Tác giả tâm sự, anh chưa phải là nhà văn, nhưng có lẽ cuộc sống thực đã tạo cho anh giàu cảm xúc. Sự rung động của con tim người viết đã chảy vào dòng chữ. Viết từ con tim, từ trải nghiệm cuộc đời, nên tác phẩm thấm đẫm nhân văn.

Những trang hồi ký của người chiến sĩ cứ bắt mắt, bắt lòng người dần dần. Người ta đọc, một lúc lại ngừng lại để suy ngẫm, để tự vấn về mình, về chiến trường và ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết từ con tim một người lính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.