Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết tiếp câu chuyện lớp cha trước, lớp con sau…

Dương Linh| 15/05/2021 08:31

(HNMO) - Hải trình ra Trường Sa lần này, chúng tôi được gặp hai người con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ, những người đã chiến đấu dũng cảm trong sự kiện bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ngày 14-3-1988. Tuy công việc, nhiệm vụ có khác nhau, họ giờ đây đang viết tiếp câu chuyện “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”, tô thắm thêm truyền thống người chiến sĩ Hải quân.

Vòng hoa mang biểu tượng lá cờ Tổ quốc với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.

Những người cha anh hùng

Là con gái duy nhất của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, Thượng úy Trần Thị Thủy hiện là cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân).

Sau khi thắp nén hương dâng lên các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa tại Nhà truyền thống của Vùng 4 Quân chủng Hải quân (Khánh Hòa), Thượng úy Trần Thị Thủy chia sẻ câu chuyện về cha mình: “Cha tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Tôi được biết về cha qua lời kể của mẹ và hồi tưởng của bà nội cùng nhiều đồng đội của cha năm xưa… Mẹ tôi kể, cha với mẹ là bạn học thời niên thiếu. Hai người yêu nhau một thời gian thì cha nhập ngũ. Cưới nhau chưa được bao lâu thì cha tôi được lệnh ra Trường Sa. Trước khi đi, cha được nghỉ phép 10 ngày dịp Tết Mậu Thìn (tháng 1-1988) và đó cũng là lần cuối cùng cha gặp mẹ và người thân…".

“Đến Trường Sa, cha tôi nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Và ông đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…”, nói đến đây chị Thủy nghẹn lời. Chưa từng một lần được gặp mặt cha, chị Thủy lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, làng xóm và đồng đội của cha.

Thượng úy Trần Thị Thủy đã khóc nức nở khi nhìn về phía đảo Gạc Ma, nơi cha chị đã anh dũng hy sinh.

Trở lại câu chuyện năm xưa, trong trận hải chiến không cân sức rạng sáng 14-3-1988, đã có 64 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cha chị Thủy, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương khi ấy đã nói với đồng đội rằng: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng”.

Lần thứ hai đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chị Thủy vẫn không nén được xúc động khi tham dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa. “Đứng trên boong tàu nhìn về phía đảo Gạc Ma, tôi rất xúc động. Ở nơi đó có xương máu của cha tôi và đồng đội đã đổ xuống…”, chị Thủy nói.

33 năm sau cuộc hải chiến năm đó, chuyến hải trình đưa Trung tá Vũ Anh Tuấn, Trợ lý Phòng cán bộ, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, con trai của Anh hùng Vũ Huy Lễ tới đảo Cô Lin. Nơi đây, cha của anh, người thuyền trưởng chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền không thể đánh chìm trong sự kiện 14-3-1988.

Nói về cha mình với niềm tự hào, Trung tá Vũ Anh Tuấn kể: “Sau sự kiện 1988, cha tôi trở về nhà và mang theo một va ly lớn chứa hàng trăm lá thư mà nhân dân cả nước gửi gắm. Đọc hết những lá thư ấy, tôi cảm nhận được tình cảm quý mến mà nhân dân dành cho lực lượng Hải quân nói chung, dành cho cha tôi nói riêng, thôi thúc tôi quyết tâm khoác màu áo Hải quân. Cha tôi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và trong ông vẫn luôn nhớ về đồng đội của mình”. 

Trung tá Vũ Anh Tuấn hát cùng các chiến sĩ trẻ và thành viên đoàn công tác.

Nối tiếp truyền thống gia đình

Ước mơ nối nghiệp người cha kính yêu, Vũ Anh Tuấn đã nỗ lực học tập, rèn luyện và cũng trở thành người lính Hải quân. “Tôi rất tự hào về truyền thống gia đình, tự hào được công tác tại Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng. Đối với công việc, tôi tâm niệm luôn cố gắng, đem khả năng, sức lực của mình đóng góp, giữ gìn, phát huy truyền thống đơn vị”.

Trung tá Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, trong căn nhà của gia đình anh có một phòng truyền thống treo ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều huân, huy chương, bằng khen... của cha mình. Và cứ cuối tuần, cả gia đình lại quây quần sinh hoạt trong căn phòng, để nhắc nhở các thành viên về truyền thống người chiến sĩ Hải quân anh hùng.

Cảm phục ý chí quyết tâm giữ đảo của Anh hùng Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng đã chỉ huy tàu HQ 505 năm xưa, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng bày tỏ sự tin tưởng, Trung tá Vũ Anh Tuấn sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, góp sức vào xây dựng lực lượng Hải quân vững mạnh.

Những bông cúc vàng tươi và hạc giấy được các đại biểu thả trôi theo dòng nước biển xanh, tưởng nhớ về các Anh hùng liệt sĩ đã xả thân chiến đấu bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Chị Trần Thị Thủy, người con gái duy nhất của Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương giờ đây cũng tiếp nối bước chân cha. 11 năm công tác tại Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, chị Thủy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận nhiều bằng khen, giấy khen, xứng đáng với truyền thống gia đình. Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại tá Lê Đình Hải cho biết: Thượng úy Trần Thị Thủy tính tình chân thành, hòa nhã. Trong công việc không ngừng phấn đấu, học tập, luôn nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng úy Trần Thị Thủy chia sẻ, ngoài người cha, bố chồng và chồng chị cũng phục vụ trong lực lượng Hải quân. “Bé gái đầu lòng của vợ chồng tôi được đặt tên là Na Vy, theo tiếng Anh có nghĩa là "hải quân". Từ lúc bé, tôi đã kể cho hai con nghe về ông ngoại đã anh dũng hy sinh như thế nào”, chị Thủy chia sẻ.

…Trường Sa không xa, Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin luôn ở trong tim những người dân đất Việt. Và những người con của các Anh hùng liệt sĩ ngày đó đã và đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho Tổ quốc như cha của mình, bồi đắp thêm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, xứng đáng với sự hy sinh cao cả những người đã ngã xuống giữa biển khơi, cho sự trường tồn của biển đảo quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp câu chuyện lớp cha trước, lớp con sau…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.