Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết tiếp bản hùng ca Bộ đội Cụ Hồ

Mai Hoa| 26/07/2022 08:20

(HNMO) - Đau đáu trách nhiệm phải sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công trên mọi miền cả nước đã không ngừng nỗ lực vượt khó, trở thành những cán bộ cơ sở nhiệt huyết, các nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường… Họ đã và đang viết tiếp bản hùng ca của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục là các chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Các đại biểu người có công chụp ảnh lưu niệm.

Tích cực tham gia hoạt động ở cơ sở

Trong không khí ngập tràn niềm vui, xúc động và tự hào của những người từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận và tuyên dương là đại biểu người có công tiêu biểu năm 2022, thương binh Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1960, đại biểu đoàn người có công tỉnh Đồng Nai chia sẻ cùng phóng viên Báo Hànộimới: “Khoảnh khắc này, tôi càng nhớ đến đồng đội. Bản thân tôi bị vướng mìn trong Chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1983, chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. Tôi may mắn chỉ bị thương, nên càng tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ".

Thương binh Nguyễn Văn Tường hiện tham gia công tác tại địa phương - phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa). Qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở, ông khẳng định mình là thương binh “tàn nhưng không phế”. Bản thân ông hài lòng với điều kiện hiện tại, khi được hưởng chính sách, chế độ chăm sóc đầy đủ; chỉ mong sao các cấp lãnh đạo tăng cường tìm kiếm, cố gắng đưa được ngày càng nhiều hài cốt liệt sĩ về với các gia đình.

Thương binh Nguyễn Văn Tường chỉ là một trong nhiều đại biểu người có công tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong hoạt động cộng đồng. Có thể kể ra nhiều cái tên điển hình cho việc người có công tích cực làm “cánh tay nối dài” tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cơ sở. Đó là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, thương binh 4/4 (thương tật 35%), là người đã lần lượt mất đi người chồng, người con của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, sau khi nước nhà thống nhất, mẹ lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Đó là đại biểu Byan, sinh năm 1931, người dân tộc Ba Na, tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều lần bị địch bắt tù đày, giam cầm và tra tấn dã man tại các nhà tù khác nhau như Pleiku, Phú Quốc nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Mang nặng những di chứng do chiến tranh để lại, nhưng ngày nay, ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương. 

Những doanh nhân đặc biệt 

Không chỉ góp sức trong các hoạt động ở cơ sở, nhiều thương, bệnh binh đã trở thành các doanh nhân đặc biệt. Đơn cử như trường hợp của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người đã có rất nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đi thăm đồng đội, thấy nhiều người hoàn cảnh rất khó, có nhà có tới 2 con chịu di chứng chất độc hóa học, bố mẹ phải chăm sóc toàn diện.

Ông chia sẻ: “Tôi và một số sĩ quan về hưu bàn nhau, thống nhất báo cáo Hội Chữ thập đỏ cho phép thành lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn, hoạt động từ năm 2005 đến nay, chủ yếu dạy 3 nghề (mộc, thêu, may) nhưng chỉ phát huy được nghề may. Hiện đã có hơn 200 cháu học nghề xong, ra trường, về tự làm kiếm sống”.

Ở một góc độ khác, có thể kể đến tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống của thương binh Vũ Gia Nhưng. Doanh nghiệp do ông thành lập và điều hành tại tỉnh Phú Thọ đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập cao, nộp ngân sách nhà nước mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng. Đồng thời, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm công tác từ thiện như đóng góp xây nhà tình nghĩa, nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng... 

Những đại biểu nêu trên nằm số 450 đại biểu người có công tiêu biểu đến từ khắp mọi miền trong Tổ quốc được lựa chọn từ cơ sở, những tấm gương sáng tại cộng đồng, vừa được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương người có công với cách mạng, tổ chức sáng 24-7 tại Hà Nội.

Trong số 450 đại biểu người có công được tuyên dương năm 2022, có 3 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ…. Họ thật giản dị, gần gũi, nhưng ở bên họ, chuyện trò cùng họ, có thể cảm nhận rất rõ sự ấm áp, năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan vượt lên mọi khó khăn, cùng góp sức vào sự phát triển chung của đất nước. Những tấm gương sáng ấy đã và đang nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, không ngừng khẳng định tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương giàu mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp bản hùng ca Bộ đội Cụ Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.