(HNM) - Trường Sa xa xôi luôn gợi nhắc tình cảm sâu lắng, trong sáng, thiêng liêng trong tâm trí người Việt. Đi mới biết thế nào là đảo chìm, đảo nổi; thu vào mắt ánh bình minh chào ngày mới rồi ngắm sao rơi trên biển khi đêm đen phủ kín biển khơi. Ở nơi đây, ta thấy mình vô cùng bé nhỏ, nhưng dâng đầy trong tim là tình yêu Tổ quốc phía chân trời…
Ấn tượng biển đảo quê hương
Tôi vô cùng háo hức và thấy mình may mắn khi được tham gia đoàn công tác đi thăm một số đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, vào tháng 5-2023.
Sáng khởi hành, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và đại biểu xuống tàu từ Cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để thực hiện hải trình thẳng hướng Biển Đông. Con tàu dáng hình vạm vỡ kéo rền từng hồi còi vang xa, báo hiệu thời khắc tạm biệt đất mẹ lên đường làm nhiệm vụ. Người đi và người ở lại đứng sát trên bến, ngay mạn tàu vẫy tay tạm biệt pha chút bịn rịn…
Tàu rời bến rồi tăng tốc, đè sóng vươn mình đến nơi đầy gian khó, có những người chiến sĩ đang canh gác ngày đêm. Cánh nhà báo hay đứng trên boong, thích thú ngắm những vạt sóng khi cuồn cuộn lúc lăn tăn, gấp nếp tuôn ra từ hai bên thân tàu. Chỉ sau một ngày khởi hành thì ai cũng dần quen với môi trường sống mới theo quy định, trật tự mà đậm chất lênh đênh; cảm nhận rõ cái sự không bờ không bến, có lúc cũng lắc lư theo từng con sóng.
Cảm giác bồng bềnh trên tàu như thể ta đang cưỡi chú cá voi khổng lồ, thân thiện thật phiêu lãng và phấn khích, lại thêm chút tò mò. Một sĩ quan hải quân đứng tuổi tâm sự rằng, đi biển nhiều rồi sẽ yêu biển một cách trong sáng, rất khó dứt. Mà mỗi lần xuân về càng nhớ Trường Sa da diết. Từ nơi đó không thể nhìn thấy quê hương hình chữ S với mẹ già ngày đêm mong con trai đang làm nhiệm vụ nơi hải đảo; lại càng thiếu dáng hình cô thôn nữ duyên dáng bên sắc thắm hoa đào. Chỉ có nắng, gió ào ạt và tiếng sóng vỗ triền miên…
Chúng tôi được thông báo, cả hải trình sẽ hơn 900 hải lý. Ra tới đây mới cảm nhận hết sắc màu của biển. Có nhiều màu xanh nhưng chủ yếu là xanh lục hay xanh cửu long… bởi phụ thuộc mức độ ánh sáng mặt trời rọi xuống vào thời điểm nào hoặc vùng biển đó nông hay sâu. Nếu là chiến sĩ giàu kinh nghiệm thì còn biết phân biệt đâu là rạn san hô hay là hồ, cả đá “mồ côi” lạc phía ngoài đảo chìm. Ta cũng có cơ hội cảm nhận, hiểu hơn về đặc điểm địa lý cũng như hình dáng, tên gọi của những đảo nhỏ. Người ta đặt tên cho đảo thật giản dị mà biểu cảm như: Tiên Nữ, Thuyền Chài, Đá Lát, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Len Đao… Không chỉ đa dạng về tên gọi, mỗi đảo còn có sự thú vị riêng biệt. Ta biết thêm đảo Tiên Nữ là phần lãnh thổ đón bình minh sớm nhất Việt Nam trong khi đảo An Bang quanh năm sóng dữ, có luồng cát tự xoay đủ một vòng quanh đảo theo mùa gió trong năm như một sự kỳ lạ của tạo hóa.
Mỗi khi nghe thông báo tàu chuẩn bị tiến vào một hòn đảo thì mọi người lại háo hức bước ra boong hoặc ngóng qua cửa sổ để quan sát. Đảo hiện dần trong mắt, như đã kiên nhẫn chờ ai từ rất lâu cho thỏa nỗi mong đợi. Từ cái chấm nhỏ ban đầu, nó “lớn” nhanh đến lúc nghe rõ tiếng người trên tàu, dưới đảo gọi chào nhau. Với những đảo nổi thì không gian khá rộng, xanh tươi nổi bật những cây bàng vuông, phong ba, thậm chí có cả dừa xanh ngát… Nhưng đảo chìm thì chỉ vẻn vẹn khối nhà bê tông nom như hội trường cao 4-5 tầng ở đất liền; nhiều điểm đảo có thêm khối nhà đa năng bên cạnh… Những năm trước, nơi đây rất thiếu nước, nước được phân phối để bộ đội sinh hoạt hằng ngày. Nay phần lớn các đảo, dù lớn nhỏ cũng đều xây bể to chứa nước mưa, được trang bị máy lọc nước, các thiết bị thông tin, phủ sóng điện thoại. Đảo nào cũng có thư viện, hệ thống năng lượng sạch. Đó là những thay đổi rất lớn, đầy ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng sống của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.
Cuộc sống nơi đảo xa chưa hết khó khăn giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhưng lại có lúc trời biển đẹp như tranh, dâng hiến con người khoảnh khắc khoáng đạt, nên thơ tựa tiên cảnh. Ngày nắng tươi, mát dịu, ngước lên thấy trời xanh bao la, rộng mở; nhìn ra xa lại là biển biếc mênh mông, mặn mòi như vô hạn. Người chiến sĩ đứng gác nơi đảo xa hẳn cảm nhận sâu sắc về phong cảnh thiên nhiên bao la, đầy sắc màu mà tự hào về quê hương; sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa - Tổ quốc phía chân trời
Mỗi lần ghé đảo nào thì cánh nhà báo đều tranh thủ ghi chép tư liệu, chụp ảnh. Ai cũng muốn lưu lại những tấm hình chân thật nhất của cuộc sống nơi đây trong chuyến đi “khó có lần thứ hai trong đời”. Nhiều người chụp thật nhiều ảnh chung cùng chiến sĩ, nhất là với chiến sĩ đang đứng gác tại cột mốc ghi rõ tọa độ đánh dấu chủ quyền quốc gia. Vài người lại tranh thủ sưu tầm những kỷ vật của Trường Sa mà đơn giản chỉ là vỏ ốc biển, quả bàng vuông, lá cờ đã sờn rách, bạc màu vì sương gió, muối mặn với chữ ký của người lính trên đảo với sự nâng niu, trân trọng.
Mỗi bức ảnh đẹp, thông tin hay đều được anh em chắt lọc, thể hiện trong bài viết, bài thơ để rồi biên tập thành bản tin, đọc lại cho cả đoàn cùng nghe qua chiếc loa trên tàu vào mỗi buổi tối.
Với riêng tôi, ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc nhất trong chuyến đi là lúc tàu dừng lại vùng đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao để làm lễ tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…
Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ngày càng được cải thiện theo mỗi chuyến tàu nặng nghĩa tình từ đất liền và từ bản lĩnh kiên trường, không ngại gian khó của các anh, dù vẫn còn rất nhiều mong muốn, nhiều việc phải làm để “Tổ quốc nơi đầu sóng” vững vàng hơn trước phong ba. Trong tương lai gần, sẽ phát triển thêm một số cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Còn trước mắt là đẩy nhanh tốc độ xây dựng âu tàu cho ngư dân vào tránh bão, cơ sở chế biến hải sản; phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện trên đảo; ứng dụng công nghệ sạch trong việc trồng cây bóng mát… nhất là đối với các đảo nhỏ nằm cô lập.
Một lần cất bước, đến và về rồi sẽ nhớ mãi, bởi Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể chia tách của Tổ quốc. Đó là chân lý, như những con sóng muôn thuở nối nhau xô bờ. Những đoàn công tác từ đất liền tiếp tục lên đường ra với anh em, đồng bào, cùng hành trang là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tình yêu. Và, khi con tàu kéo hồi còi chào bến cuối để về lại đất liền thì đầy ắp trong ta là ký ức sâu nặng, kỷ niệm không quên về Trường Sa - nơi Tổ quốc phía chân trời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.