Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thông báo tại Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28-2.
Theo đó, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và xếp hạng 48/187 quốc gia trên thế giới. Việc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam đã góp phần nâng cao vị trí của người phụ nữ.
Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội đạt 24,4%, xếp thứ 43/141 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 2 trong 8 nước ASEAN có nghị viện, quốc hội. 40% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 24/36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là nữ. Phái nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm hơn 20%.
Mặt khác, hiện nay tỷ lệ trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đã đạt 80%. Nữ sinh đại học chiếm 61,6%, thạc sỹ chiếm 30,5%. Năm 2012, trong hơn 1,5 triệu người được tạo việc làm mới, phụ nữ chiếm 48%. Mặc dù đã có những thành công trong việc bảo đảm bình đẳng giới, các chuyên gia tại diễn đàn cũng nhận định, khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn tồn tại trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ở tất cả các cấp, các ngành.
Nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế. Các chuyên gia về bình đẳng giới khuyến nghị rằng Việt Nam cần tăng cường thu thập thông tin về nguyên nhân, hậu quả của các hình thức phân biệt giới, hình thức bạo lực nhằm vào phụ nữ, trẻ em nữ và kết hợp sử dụng dữ liệu theo giới và lứa tuổi để có thể xây dựng, triển khai các luật, chính sách và biện pháp phòng ngừa bất bình đẳng giới một cách phù hợp với thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.