Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam vẫn giữ vững hệ số tín nhiệm quốc gia

Hương Ly| 02/07/2020 12:00

(HNMO) - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 2-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã chủ động đưa ra các biện pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với khả năng thực tế. Nhờ vậy, nước ta đã sớm kiểm soát được dịch; đồng thời, nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ ở quy mô lớn đối với doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch. Qua đó, đã tạo cơ sở để đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân trở lại bình thường, đáp ứng “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, trong khi các nền kinh tế lớn và nhiều nước ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu trong năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng 6 tháng ở mức 1,81%, an sinh xã hội được bảo đảm.

“Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo về tình hình tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp. Giá dầu thô giảm sâu và việc Chính phủ triển khai các giải pháp tài khóa nhằm phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2020.

“Tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt 43,9% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. 30/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán giao”, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết thêm.

Đến nay, NSNN cũng đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...); xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân.

6 tháng cuối năm, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối NSNN, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp quan trọng.

Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý kịp thời hồ sơ giãn thuế và tiền thuê đất theo quy định, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong trường hợp sau khi đã sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối NSNN còn khó khăn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam vẫn giữ vững hệ số tín nhiệm quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.