Xã hội

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”

Bảo Hân 10/01/2025 - 17:13

Theo kết quả điều tra, dân số Việt Nam thời điểm ngày 1-4-2024 là 101.112.656 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2019 – 2024 là 0,99%/năm.

gioi-tinh-khi-sinh.jpg
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) ở nước ta là 111,4 bé trai/100 bé gái. Ảnh minh hoạ

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả chủ yếu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu, quy mô mẫu lớn, cỡ mẫu khoảng 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn điều tra), mẫu được thiết kế đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện đối với chỉ tiêu về quy mô dân số và cấp tỉnh đối với các chỉ tiêu còn lại.

Tỷ số giới tính của dân số là 99,2 nam/100 nữ

Theo kết quả điều tra, dân số Việt Nam thời điểm ngày 1-4-2024 là 101.112.656 người. Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2019 – 2024 là 0,99%/năm, giảm 0,23 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014 – 2019 (1,22%/năm).

Trong tổng dân số cả nước, dân số nam là 50.346.030 người, chiếm 49,8%; dân số nữ là 50.766.626 người, chiếm 50,2%; dân số thành thị là 38.599.637 người, chiếm 38,2%; dân số nông thôn là 62.513.019 người, chiếm 61,8%.

Tỷ số giới tính của dân số là 99,2 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,7 nam/100 nữ.

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 24,0 triệu người, chiếm 23,7% tổng dân số cả nước; Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 6,2 triệu người, chiếm 6,2% dân số cả nước.

Cả nước có 19 tỉnh với quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người; 37 tỉnh có quy mô dân số từ 1 đến 2 triệu người; 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là 8.685.607 người và 9.521.886 người.

Theo kết quả được công bố, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, với hai người trong độ tuổi lao động có một người phụ thuộc.

Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2%. Số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.

Tỷ số giới tính khi sinh 111,4 bé trai/100 bé gái cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài khá lâu ở Việt Nam và các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai chưa đạt hiệu quả cao.

Về tình trạng hôn nhân, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 74,9%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của dân số là 27,3, tăng 2,1 năm so với năm 2019, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 năm. Nữ ở khu vực thành thị kết hôn muộn hơn đáng kể so với nữ ở khu vực nông thôn.

“Nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước

xe-mo-to.jpeg
89,4% hộ gia đình sử dụng mô tô, xe gắn máy. Ảnh minh hoạ

Kết quả điều tra chỉ ra, mặc dù dân số liên tục tăng nhưng quy mô và tỷ lệ người di cư tiếp tục xu hướng giảm và giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Năm 2024, cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư (chiếm 4,3%). Về hiện tượng “nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước, số liệu cho thấy trong tổng dân số di cư, nữ giới chiếm 55,7%, cao hơn so với mức 50,2% của dân số nữ không di cư.

Về điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư, đa số các hộ dân sống trong ngôi nhà, căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ (89,7%). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 16,4 điểm phần trăm (tương ứng 96,2% và 79,8%).

Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 97,6% tổng số hộ có nhà ở. Diện tích nhà ở bình quân năm 2024 là 26,6 m2/người, tăng 3,4 m2/người so với năm 2019. Diện tích nhà ở bình quân của loại nhà chung cư thấp hơn nhà riêng lẻ (tương ứng là 21,1 m2/người và 26,8 m2/người).

Khoảng 41,9% số hộ sống trong các ngôi nhà, căn hộ có diện tích bình quân từ 30 m2/người trở lên, chỉ còn 4,1% hộ đang sống trong các ngôi nhà, căn hộ có diện tích chật hẹp dưới 8 m2/người.

Trong tổng số 28,1 triệu hộ trên cả nước, 99,8% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó 59,6% hộ sử dụng nguồn nước máy.

Tiện nghi sinh hoạt của hộ gia đình đã được cải thiện tích cực so với trước đây. Tỷ lệ hộ gia đình có ti vi, đài (radio/radio casetts) đã giảm nhẹ so với năm 2019, trong khi, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại di động, máy tính bảng, điện thoại cố định được tăng thêm từ 91,7% năm 2019 tới 97,3% năm 2024.

Đa số hộ gia đình sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ (mô tô, xe gắn máy, ô tô…) cho mục đích sinh hoạt. Trong đó, 89,4% hộ gia đình sử dụng mô tô, xe gắn máy và 9% hộ gia đình sử dụng ô tô, cao hơn khoảng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2019 (5,7%).

Tổng hợp kết quả thống kê cho thấy, kể từ năm 2019 đến nay, mặc dù tốc độ tăng dân số của Việt Nam giảm do mức sinh giảm nhưng quy mô dân số vẫn duy trì trạng thái ổn định, bình quân mỗi năm tăng khoảng gần 1 triệu người.

Nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học về cơ bản đã hoàn thành và đang chạm dần đến mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ người có trình độ trung học phổ thông trở lên đã tăng đáng kể, tỷ lệ người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật giảm mạnh.

Sức khỏe của người dân được tăng cường. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm mạnh. Tuổi thọ của người dân tiếp tục được tăng cao.

Nhà ở của các hộ dân cư, đặc biệt ở khu vực nông thôn, cũng ghi nhận những bước phát triển mạnh. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và tỷ lệ hộ sống trong các căn nhà kiên cố và bán kiến cố tăng mạnh với diện tích ở bình quân đầu người cũng được cải thiện so với năm 2019. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt hay chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng cao. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.