(HNMO) - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Thanh tra chính phủ và Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam. Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì Hội nghị.
Việt Nam được lựa chọn đánh giá trong chu trình đầu tiên (gồm 2 chương, 35 điều, và 145 câu hỏi và yêu cầu công ước) vào năm 2011. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành và cơ quan Trung ương bắt đầu công việc cho quá trình này từ năm 2010 với việc thành lập tổ công tác và kế hoạch tổ chức đánh giá Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam. Tháng 4/2010 Thủ tướng CP đã ra quyết định 445/QĐ - TTg ban hành kế hoạch thực hiện Công ước của Việt Nam.
Kết quả tự đánh giá việc thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 102/145 yêu cầu của Công ước; Ban hành và thực hiện, nhưng chưa đầy đủ 29/145 yêu cầu; Chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ 14 yêu cầu của UNCAC (tập trung vào những quy định mà Việt Nam đã tuyên bố bảo lưu, không bị ràng buộc). Việc lựa chọn phương án 2 cho 29 yêu cầu, và phương án 3 cho 14 yêu cầu của Việt Nam đã phản ảnh đúng thực trạng hệ thống luật pháp, nhất quán với nội dung bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước... Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận diện được một cách cụ thể các nội dung còn chưa phù hợp và khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đáp ứng đầy đủ, tòan diện hơn các yêu cầu của công ước, đặc biệt là là các yêu cầu về hòan thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và hỗ trợ tư pháp...
Tại Hội nghị nhiều ý kiến đã đánh giá cao bản báo cáo cũng như những động thái PCTN tích cực của Việt Nam, đồng thời cho rằng đây sẽ là cơ sở để đóng góp cho việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây của Việt Nam. Tuy nhiên, các tham luận cũng chỉ ra những hạn chế của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoàn thiện pháp luật về hình sự liên quan đến các hành vi tham nhũng như: Hối lộ công chức, tham ô, biển thủ, hoặc chiếm đoạt tài sản, cản trở hoạt động tư pháp, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi, hối lộ trong khu vực tư nhân, che dấu tài sản, làm giàu bất chính...; Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự liên quan tới điều tra, truy tố, xét xử, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.