(HNM) - Sáng 3-3, Bệnh viện (BV) 103 (Học viện Quân y) đã họp báo công bố thành công của ca ghép đa tạng đầu tiên tại Việt Nam.
Sau 22 năm thực hiện ca ghép thận đầu tiên, đến nay, kỹ thuật ghép tạng của BV đã tiến thêm bước nữa với việc ghép cùng lúc cả thận và tụy. Điều này một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam.
Bệnh nhân Phạm Thái Huyên đã có sức khỏe ổn định sau ca phẫu thuật ghép thận, tụy. Ảnh: Đào Kim Sơn |
Từ những đơn vị đi đầu thực hiện kỹ thuật ghép tạng như BV 103, BV Việt - Đức, BV trung ương Huế, hiện nay cả nước đã có tới 12 BV, cơ sở y tế thực hiện thành công cấy ghép tạng từ người cho chết não. Không chỉ dừng lại ở việc ghép 1 tạng, các thầy thuốc đã nâng cao trình độ bằng việc ghép đồng thời đa tạng.
Vào tháng 6-1992, các y, bác sĩ BV 103 đã tiến hành ca ghép thận đầu tiên ở nước ta. Đến tháng 1-2004, BV lại tiếp tục thành công với ca ghép gan rồi ghép tim vào tháng 6-2010. Sau 22 năm, BV đã trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện ca ghép đồng thời 2 tạng (gồm tụy và thận) cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên (43 tuổi, công tác tại Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La) bị đái tháo đường type 1, suy thận độ II.
PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 cho biết, trước khi tiến hành ca ghép, tình trạng sức khỏe bệnh nhân rất nguy kịch. Trung bình, khoảng 2 tháng bệnh nhân phải nhập viện một lần, mỗi lần phải điều trị từ nửa tháng đến 20 ngày nên các bác sĩ chỉ định ghép tạng nếu không sẽ suy thận nặng. May mắn, BV đã vận động được gia đình của một bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông tự nguyện hiến tạng. Ca phẫu thuật được tiến hành trong khoảng 10 tiếng, bắt đầu từ 3h đến 13h ngày 1-3.
Nếu như ở 3 ca ghép tạng trước, BV103 phải nhờ đến sự trợ giúp của những chuyên gia nước ngoài, thì đến ca ghép đa tạng này, trình độ của các thầy thuốc trong nước đã tiến bộ rất nhiều và họ có thể chủ động hoàn toàn các kỹ thuật ghép. PGS.TS Hoàng Mạnh An cho biết, với ca ghép thận đầu tiên, thời gian tiến hành từ 8h đến 15-16h mới xong. Nhưng giờ đây, ghép thận đã trở thành thường quy và có thể tiến hành ghép 3-4 ca trong một buổi sáng. Còn với ca ghép tụy, thận này, ban đầu BV cũng dự kiến mời chuyên gia nước ngoài trợ giúp. Tuy nhiên, khi có người chết não tự nguyện hiến tạng, BV phải lập tức triển khai ghép ngay, không chờ các chuyên gia nước ngoài sang. "Trước khi tiến hành ca ghép đa tạng, BV cũng đã chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực, cử các bác sĩ sang thực tập ở các trung tâm ghép kỹ thuật cao ở nước ngoài, thử nghiệm 50 ca ghép trên động vật. Vì vậy, dù không có sự trợ giúp của chuyên gia nhưng ca ghép đã được các bác sĩ Việt Nam phẫu thuật thành công. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh táo, vết mổ khô, các chỉ số về nước tiểu, đường huyết và thận tương đối bình thường" - PGS.TS Hoàng Mạnh An cho biết.
Cùng với ca ghép tụy, thận này, BV cũng tiến hành ghép thận, gan cho 2 bệnh nhân khác và còn khoảng 20 bệnh nhân có nhu cầu ghép tụy chữa bệnh tiểu đường. Vì khan hiếm nguồn tạng nên tới đây, BV sẽ thực hiện ghép tụy từ người cho sống. Theo PGS.TS Hoàng Mạnh An, có thể lấy phần đuôi tụy để ghép cho những người bị tiểu đường. Do đó, nếu trẻ bị tiểu đường type 1, bố mẹ có thể cho tụy để ghép. Từ kinh nghiệm của ca ghép thận, tụy này, đến năm 2015, BV sẽ thực hiện ghép nhiều tạng trên người và trong tương lai không xa có thể tiến hành ghép ruột, mạch máu.
Thành công của các bác sĩ BV 103 cũng như của nền y học nước nhà mở ra nhiều cơ hội sống cho những người bị bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, để các bác sĩ có thể giúp người bệnh thoát khỏi bệnh tật, PGS.TS Hoàng Mạnh An kêu gọi, nếu người thân mình không may gặp phải rủi ro, các gia đình nên đồng ý hiến tạng, cứu giúp nhiều người bệnh vì một người chết não có thể ghép cho ít nhất khoảng 7 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.