Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý việc Việt Nam tham gia thực hiện Dự án toàn cầu “Dịch vụ hệ sinh thái” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối phía Việt Nam, phối hợp với UNEP hoàn chỉnh văn kiện Dự án, thẩm định, phê duyệt và ký văn kiện Dự án với Nhà tài trợ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Dự án này.
Được biết, trong 1 nghiên cứu được công bố trước Ngày Môi trường Thế giới 5/6 vừa qua, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho hay các nước có thể thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng bằng cách "phủ xanh" các khu rừng, đầm lầy, rặng san hô và bờ sông.
Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner cho rằng việc đầu tư và tái đầu tư có kế hoạch vào việc khôi phục hệ sinh thái không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn là vấn đề quan trọng đối với sự ổn định của thế giới khi mà dân số, thu nhập và nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất đang tăng.
Cũng theo UNEP, việc khôi phục rừng, hồ và các loại bảo tồn thiên nhiên khác đã bị phá huỷ hay suy kiệt có thể mạng lại nguồn lợi to lớn về kinh tế, tạo việc làm và là một công cụ quan trọng để xoá đói, giảm nghèo.
Hiện hàng nghìn dự án khôi phục hệ sinh thái đang giúp thay đổi cuộc sống của nhiều cộng đồng và quốc gia trên toàn cầu.
Chuyên gia tài nguyên thiên nhiên Tim Kasten của UNEP cho hay, "các khu đầm lầy, trong đó 50% đã bị phá hủy, có giá trị kinh tế 70.000 tỷ USD/năm". UNEP cảnh báo sự mất mát của các dịch vụ hệ sinh thái có thể dẫn tới sản lượng lương thực của thế giới giảm 25% vào năm 2050.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.