Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN vào năm 2018

PV| 13/05/2017 06:36

Chiều 12-5, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) và lễ bàn giao vai trò nước chủ nhà Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 cho Việt Nam.

Phát biểu sau khi nhận chuông nước chủ nhà Hội nghị WEF ASEAN 2018 từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc WEF một lần nữa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị về khu vực là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác Việt Nam và WEF, cũng như giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với WEF, Chính phủ các nước và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam vào năm 2018. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với phát triển, là điều kiện tiên quyết để kết nối kinh tế và là một trọng tâm trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; khẳng định phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có nhu cầu huy động khoảng 480 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chủ yếu là huy động đầu tư tư nhân.

Ảnh: VGP



* Trước đó, tại “Tiệc trưa về Việt Nam” do WEF phối hợp với Tập đoàn VinaCapital tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển đến nay đã đạt tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 6%/năm và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam là một quốc gia có nền tảng chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế mở và năng động, thị trường gần 93 triệu người tiêu dùng với thu nhập và sức mua ngày càng cao. Để tăng trưởng nhanh và bền vững, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,5-7% từ nay đến năm 2020, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung thực hiện một số định hướng lớn. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo động lực mới cho phát triển, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, đổi mới căn bản mô hình và phương thức tăng trưởng, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

* Sáng 12-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp là thành viên của WEF về kinh tế Việt Nam với sự tham dự của Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler. Thủ tướng cho rằng với quyết tâm, các doanh nghiệp sẽ thành công ở Việt Nam. Đây không chỉ là một thị trường với trên 93 triệu dân mà còn là thị trường của ASEAN. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các FTA thế hệ mới có độ mở lớn, tiêu chuẩn cao và đang đàm phán 4 hiệp định FTA. Tại cuộc gặp gỡ, các doanh nghiệp WEF đánh giá cao nỗ lực cải cách đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn P&G (Mỹ) Magesvaran Surajan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Shire (Ireland) Linda Seah, Giám đốc khu vực Ngân hàng HSBC (Anh) Doreen Steidle và Phó Chủ tịch Tập đoàn GE (Mỹ) Christian Bennett.

Ngày 12-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận “Đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh” và phiên bế mạc WEF ASEAN 2017.

* Chiều tối 12-5, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã rời thủ đô Phnom Penh, kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Hội nghị WEF ASEAN lần thứ 26.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN vào năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.