(HNMO) - Chiều 4-2, tại cuộc họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Anh chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về hợp tác của các nước trong khu vực. Các nước thành viên CPTPP đã thống nhất quy trình gia nhập, theo đó, các nền kinh tế quan tâm cần đáp ứng tiêu chuẩn của hiệp định và quy trình gia nhập này. Anh là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực và sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh”.
Trước đó, ngày 1-2, Anh đã chính thức đề nghị gia nhập CPTPP gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam, để mở ra những con đường mới cho thương mại giai đoạn sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thông báo về động thái trên, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nói, quyết định này sẽ đặt nước Anh vào "trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới".
Hiện nước Anh đang phải thích ứng với các điều khoản thương mại mới với EU, với việc áp dụng một thỏa thuận thương mại mà trong nhiều trường hợp khiến việc xuất khẩu sang EU phức tạp và đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ quyết định gia nhập CPTPP, mở ra "cánh cửa hậu" giúp thắt chặt quan hệ thương mại Mỹ - Anh.
CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa 11 nước thành viên hiện tại gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.