Môi trường

Nhân Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh (P4G): Năm chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự lựa chọn của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

TS Trần Anh Tuấn 16/04/2025 - 07:49

Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với phương châm "kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

picture1a.png
Biểu đồ thiệt hại kinh tế do thiên tai theo khu vực (2024)
(Theo Munich Re, *Natural disaster figures for 2024* (2025), Munich Re Publications, Munich)

Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách nhất quán và quyết tâm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo nền tảng cho các hoạt động và chương trình hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như: Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường"; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Cam kết tại Hội nghị COP26 (2021).

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là điều kiện tất yếu để có nền kinh tế hiện đại

Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra tư duy, tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, đó là tăng trưởng kinh tế hai con số phải gắn với phát triển bền vững; phải xác lập và thực hiện mô hình tăng trưởng mới cho đất nước trong giai đoạn mới...

Người đứng đầu Đảng ta đã có 5 chỉ đạo mang tầm nhìn thế kỷ, đó là: Tái khởi động xây dưng nhà máy điện hạt nhân, điều vô cùng quan trọng khi nền kinh tế và cả xã hội đang trong “cơn khát” năng lượng để phát triển mà các loại năng lượng khác công suất không thể lớn như điện hạt nhân được; đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam; ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị; tổ chức lại không gian lãnh thổ quốc gia để tạo dư địa phát triển.

Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến đổi khí hậu, điển hình như Hà Nội đã có nhiều ngày đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi vẫn phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Từ Hội nghị thượng đỉnh trái đất năm 1992 đến nay (2025), các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững đã định hình rõ ràng hơn, đặc biệt với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và hành động nhanh trong đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quyết liệt cải thiện chất lượng không khí, hệ thống dòng chảy mặt, và hạ tầng đô thị xanh để có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về phát triển bền vững.

Trong đó, Hà Nội cần trở thành hình mẫu của chuyển đổi xanh, giao thông sạch, đô thị sinh thái, đẩy mạnh khai thác giao thông đường thuỷ (quy hoạch và xây dựng hệ thống bến thuỷ nội địa trên sông Hồng và hệ thống sông khác để phát triển giao thông thuỷ nội địa) để giảm tải cho giao thông đường bộ. Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội dự kiến xây dựng 5 cụm cảng hàng hóa và 1 cụm cảng hành khách nằm ven các sông, nhằm tăng cường vận chuyển hàng hóa và kết nối vùng.

Về chuyển đổi số, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã xác định rõ, chuyển đổi số phải song hành với phát triển bền vững, phục vụ con người và thiên nhiên.

Việc số hóa quy hoạch, quản lý tài nguyên, giám sát khí thải và chất lượng không khí, sử dụng cảm biến môi trường trong thành phố thông minh, số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp – công nghiệp – thương mại… là những ứng dụng điển hình cho thấy công nghệ đang trở thành “cánh tay nối dài” của tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi số cũng là công cụ quan trọng để hiện thực hóa các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Dữ liệu ESG sẽ chỉ có giá trị khi được quản lý minh bạch, số hóa và dễ dàng chia sẻ; việc giám sát hiệu quả môi trường – xã hội – quản trị cần tới hệ thống hạ tầng số mạnh mẽ, tích hợp các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số phát huy hiệu quả và không gây ra bất công xã hội hay rủi ro công nghệ, Việt Nam cần đồng thời chú trọng đến các yếu tố nền tảng như: Phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng, nâng cao năng lực số của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn – miền núi – vùng sâu xa; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để chủ động hơn trước các xu hướng toàn cầu.

Tóm lại, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế thời đại mà còn là điều kiện tất yếu để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng một cách chất lượng và bền vững, có khả năng thích ứng cao với biến động khí hậu, bảo đảm nhu cầu phát triển của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến thế hệ tương lai.

picture1b.png
Biểu đồ lượng phát thải CO₂ toàn cầu theo thập kỷ
(Theo Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC), *Sixth Assessment Synthesis Report (AR6)* (2023), IPCC, Geneva).

Khuyến nghị 6 giải pháp

Về giải pháp, trước hết Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 10-4-2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được cụ thể hóa, bao gồm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh, phát triển khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Nghị quyết 57 đã xác định rõ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt cho phát triển đất nước. Vì vậy Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống khung pháp lý và chính sách quốc gia về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong lĩnh vực công nghệ xanh, nông nghiệp thông minh, kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm.

Đây sẽ là hạt nhân lan tỏa các mô hình phát triển xanh trên cả nước và đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến (AI, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, vật liệu mới…) vào lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông sạch, nông nghiệp carbon thấp; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường thông qua Quỹ đổi mới sáng tạo khí hậu, ưu đãi thuế, tín dụng xanh và các chương trình tăng tốc khởi nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Để làm được điều này Việt Nam cần xây dựng nền tảng dữ liệu môi trường và khí hậu quốc gia, tích hợp với hệ thống dữ liệu mở về tài nguyên, năng lượng, khí thải, nhằm phục vụ quản trị môi trường và ra quyết định dựa trên dữ liệu; áp dụng công nghệ số vào quy hoạch và quản lý đô thị, triển khai các giải pháp thành phố thông minh xanh, tích hợp cảm biến giám sát môi trường, quản lý năng lượng thông minh, kiểm soát giao thông và chất lượng không khí bằng AI. Đồng thời chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới xanh hóa chuỗi giá trị, như khuyến khích số hóa sản xuất, thương mại điện tử bền vững, ứng dụng IoT trong nông nghiệp và công nghiệp tiết kiệm tài nguyên.

Quy hoạch lại không gian phát triển trên cơ sở sinh thái và công nghệ. Việc tái cấu trúc lãnh thổ kinh tế - xã hội theo chỉ số sinh thái, gồm áp dụng công cụ đánh giá sức chịu tải môi trường làm nền tảng cho quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, nhằm phân bổ hợp lý dân cư, công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng giao thông và không gian xanh.

Hà Nội phát triển thành đô thị dẫn đầu về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; thí điểm mô hình "Hà Nội - Thành phố sinh thái số", kết hợp năng lượng tái tạo, giao thông sạch, dữ liệu lớn và kinh tế tuần hoàn để trở thành hình mẫu quốc gia về đô thị thông minh, bền vững.

Thiết lập nền tảng tài chính thể chế để hiện thực hóa mục tiêu khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua xây dựng và vận hành Quỹ đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững nhằm hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, khởi nghiệp và triển khai công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, giao thông phi carbon, nông nghiệp sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xanh gồm phát hành trái phiếu xanh quốc gia, thu hút các nguồn tài chính khí hậu từ quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ sạch theo cơ chế thị trường carbon. Cùng với đó là cải cách chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các mô hình hợp tác công – tư trong phát triển hạ tầng xanh, các dự án chuyển đổi số – năng lượng sạch – công nghiệp không phát thải.

Thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nâng cao nhận thức xã hội về phát triển xanh, công nghệ và số hóa. Tích hợp giáo dục vì khí hậu, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào chương trình phổ thông và đại học, hình thành thế hệ công dân sinh thái số. Tổ chức các chiến dịch truyền thông số hóa về biến đổi khí hậu, sử dụng mạng xã hội và nền tảng số để nâng cao nhận thức cộng đồng, lan tỏa thói quen sống xanh và sử dụng công nghệ vì môi trường.

Triển khai hệ thống đánh giá ESG và tiêu chuẩn quốc tế (ISO) để bảo đảm phát triển xanh thực chất, chống “giả xanh. Áp dụng lộ trình báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế. Việt Nam cần sớm xây dựng bộ chỉ số ESG quốc gia. Bắt đầu thí điểm từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn và các dự án có nguy cơ phát thải cao.

Xây dựng và triển khai khung hướng dẫn ESG cho các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đồng thời đưa tiêu chí ESG vào đánh giá hiệu quả quản lý và điều hành và triển khai áp dụng thí điểm và từng bước bắt buộc hóa báo cáo ESG đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn, doanh nghiệp niêm yết và các dự án có tác động môi trường lớn.

Xây dựng lộ trình phù hợp để áp dụng rộng rãi đến năm 2030. Thiết lập khung hướng dẫn ESG quốc gia, lấy tham chiếu từ tiêu chuẩn quốc tế nhưng điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hình thành hệ thống chỉ số ESG quốc gia liên kết với SDGs và Net Zero; thành lập cơ quan giám sát và đánh giá độc lập để kiểm soát tình trạng “greenwashing”, đảm bảo các báo cáo môi trường – xã hội là thực chất, không chỉ mang tính hình thức; đưa ESG vào tiêu chí đánh giá hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương, tạo động lực hành động xanh và minh bạch trong bộ máy nhà nước.

Song song, khuyến khích đầu tư theo ESG qua các ưu đãi tài chính (tín dụng xanh, ưu đãi thuế) đối với các doanh nghiệp, dự án có điểm ESG cao; phát triển hệ sinh thái đánh giá xếp hạng tín nhiệm ESG. Kết hợp ESG với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO quản lý môi trường; quản lý năng lượng; trách nhiệm xã hội...

Thành lập cơ quan đánh giá và kiểm toán độc lập về ESG nhằm ngăn chặn hiện tượng “greenwashing” (giả xanh), bảo đảm báo cáo bền vững là thực chất và minh bạch, đặc biệt trong các lĩnh vực rủi ro cao như xây dựng, năng lượng, hóa chất, khai thác tài nguyên…

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng muốn phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần một chiến lược tổng thể, đa ngành, dài hạn, trong đó phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Mỗi hành động hôm nay sẽ quyết định chất lượng cuộc sống cho các thế hệ mai sau. Việc điều chỉnh các mục tiêu về năng lượng, như giảm sự phụ thuộc vào than đá và khí tự nhiên, đồng thời tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ đóng góp vào mục tiêu toàn cầu mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong nước. Chuyển đổi số ở Việt Nam cần gắn liền với phát triển bền vững là một quan điểm mang tính chiến lược, phản ánh sự nhận thức sâu sắc rằng công nghệ không chỉ là công cụ phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy cho phát triển toàn diện và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh (P4G): Năm chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự lựa chọn của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.