Giao thông

Chuyển đổi xanh giao thông thủ đô: quyết tâm "về đích" sớm

Tuấn Lương (thực hiện) 02/02/2025 10:51

“Thành phố Hà Nội đã nhận diện cụ thể từng khó khăn, thách thức khi triển khai xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để xây dựng đề án chuyển đổi, với lộ trình, giải pháp phù hợp, khả thi, nhằm quyết tâm “về đích” sớm trước 15 năm so với yêu cầu của Chính phủ”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025.

xe-buyt-dien.jpg
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khảo sát khu bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt điện của Vinbus. Ảnh: Tuấn Khải

Chuyển đổi buýt xanh sớm trước 15 năm

- Xin ông thông tin về mục tiêu chuyển đổi, phát triển giao thông xanh trên địa bàn Thủ đô?

- Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”.

Tại đề án, Thành phố đặt mục tiêu tỉ lệ xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 90% và đến năm 2035 đạt 100%, sớm hơn 15 năm so với yêu cầu tại Quyết định số 876/QĐ-TTg.

Về lộ trình, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe (bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi); trong giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến chuyển đổi 1.813 xe (bằng 93,4% tổng số phương tiện chuyển đổi); trong giai đoạn 2031 - 2035 dự kiến chuyển đổi 238 xe. Như vậy, đến năm 2035, tỉ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%.

- Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực phát triển giao thông xanh, trong đó đáng chú ý là xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG đã được đưa vào sử dụng. Xin ông cho biết kết quả bước đầu trong quá trình thí điểm?

- Từ tuyến buýt điện đầu tiên (tuyến E03), đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 tuyến buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái Vinbus vận hành (gồm 143 xe). Sau một thời gian hoạt động, xe buýt điện đã được nhân dân đón nhận, ủng hộ, đánh giá cao. Chất lượng dịch vụ trên tuyến ổn định, các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng so với kế hoạch. Đặc biệt, một số tuyến có sản lượng hành khách cao, nằm trong tốp đầu của toàn mạng (tuyến E01, E03). Từ đó, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giao thông xanh.

Trước đó, vào tháng 2-2018, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đã đưa 3 tuyến xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên CNG vào vận hành. Đến nay, Hà Nội đã có 10 tuyến CNG (gồm 139 xe). Chất lượng dịch vụ của loại hình này cũng khá ổn định, được hành khách tin tưởng sử dụng. Xe buýt CNG có ưu điểm giảm phát thải 20 - 30% khí CO2 so với xe buýt chạy bằng dầu diesel.

Tổng số xe buýt điện và xe buýt chạy bằng khí CNG hiện đang chiếm tỉ lệ 14,8% cơ cấu đoàn phương tiện buýt của thành phố.

- Hà Nội đặt mục tiêu “xanh hóa” 100% xe buýt vào năm 2035, sớm trước 15 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Liệu mục tiêu này có khả thi?

- Thành phố đã nhận diện cụ thể từng khó khăn, thách thức khi triển khai xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Thứ nhất là về nguồn cung cấp xe buýt điện. Tại Việt Nam mới chỉ có Vinbus là đơn vị duy nhất cho tới thời điểm hiện tại sử dụng xe điện sức chứa lớn (68 hành khách) do VinFast sản xuất. Với các chủng loại xe trung bình và nhỏ, mới chỉ có một số đơn vị nghiên cứu nhập khẩu hoặc lắp ráp. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có phương tiện hoàn chỉnh được đưa vào hoạt động và cung cấp phổ biến trên thị trường.

Thứ hai là về nguồn cung cấp năng lượng điện và khí. Đối với nguồn điện và trạm sạc, việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng lớn, tập trung theo các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt. Điều này đòi hỏi ngành Điện đánh giá quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống trạm sạc.

Đối với nguồn khí, qua làm việc, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam khẳng định sẽ bảo đảm đủ lượng khí thiên nhiên để phục vụ cho quá trình chuyển đổi phương tiện xanh của ngành Giao thông vận tải. Tuy nhiên, nguồn cung khí CNG tại miền Bắc khó đáp ứng cho việc mở rộng, phát triển số lượng phương tiện lớn. Các đơn vị phân phối tập trung chủ yếu ở phía Nam cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận. Trường hợp phải vận chuyển khí từ Nam ra Bắc sẽ khiến chi phí đội lên cao.

Thứ ba là chi phí đầu tư và vận hành cho xe buýt điện và buýt CNG cao hơn so với buýt chạy bằng dầu diesel. Theo khảo sát, hiện tại giá xe buýt điện cỡ lớn cao gấp 3,2 lần và xe buýt điện cỡ trung bình và nhỏ cao gấp 3 - 4,3 lần so với xe buýt diesel cùng sức chứa - đang sử dụng để tính đơn giá khấu hao phương tiện theo quyết định hiện hành của UBND thành phố Hà Nội.

Giá xe buýt CNG cỡ nhỏ hiện cao hơn 2,5 lần so với xe buýt diesel và giá xe buýt CNG cỡ trung bình hiện cao hơn 1,8 lần so với xe buýt diesel cùng sức chứa.

Xây dựng cơ chế đột phá, vượt trội

- Các doanh nghiệp chia sẻ đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất để đầu tư phương tiện, hạ tầng theo lộ trình của đề án. Thành phố có giải pháp, cơ chế như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp?

- Năm 2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NĐ-HĐND, trong đó Điểm C, Khoản 4, Điều 2 quy định: “Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cụ thể theo từng dự án được UBND thành phố phê duyệt”.

Từ khi nghị quyết được ban hành đến nay mới chỉ có 1 đơn vị (Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi vay đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về hạn mức lãi vay được hỗ trợ lãi suất; thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư mua sắm phương tiện (theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND phải được UBND thành phố phê duyệt) nên Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này.

Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có tờ trình UBND thành phố chủ trương xây dựng nghị quyết về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc và phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (thay thế cho chính sách quy định tại Điểm C, Khoản 4, Điều 2 Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND).

Trong đó, chúng tôi đề xuất Thành phố xác định cụ thể hạn mức khoản vay theo hướng bằng 100% giá trị khoản vay; tăng tỉ lệ hỗ trợ lãi vay cũng như thời gian vay; xem xét, điều chỉnh lại điều kiện vay theo hướng không ràng buộc phải là dự án do UBND thành phố phê duyệt; mở rộng đối tượng cho vay theo hướng ngoài ngân hàng thương mại sẽ bổ sung thêm quỹ đầu tư phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật...

- Luật Thủ đô 2024 với những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ tác động như thế nào đến quá trình chuyển đổi và phát triển giao thông xanh trên địa bàn Thủ đô, thưa ông?

- Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra nhiều quy định quan trọng về chuyển đổi giao thông xanh. Luật nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường, ưu tiên các phương tiện giao thông xanh như xe buýt điện, xe đạp và đi bộ; yêu cầu các cơ quan chức năng lập kế hoạch chi tiết về phát triển hạ tầng phục vụ giao thông xanh, bao gồm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp và lối đi bộ; khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới trong giao thông như hệ thống giao thông thông minh và xe điện; cung cấp các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển giao thông xanh...

Những quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh giao thông thủ đô: quyết tâm "về đích" sớm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.