(HNMO) - Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.
Ngày 5-4, tại Hà Nội, Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản 2023 với chủ đề “Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế” đã được Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) Ingrid Christensen đánh giá cao hiệu quả hợp tác giao lưu phát triển nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua, góp phần hỗ trợ lao động Việt Nam nâng cao kỹ năng, tay nghề và có thu nhập tốt qua quá trình làm việc tại Nhật Bản. Nhiều chương trình, dự án, như: Chương trình thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Viết Hương, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được coi trọng và phát triển. Hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng...
Riêng năm 2022, gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.
Bàn về chủ đề “Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế”, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Phạm Viết Hương đề nghị tăng cường phối hợp, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, như tình trạng một số thực tập sinh kỹ năng, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản…
Trong khuôn khổ chương trình diễn đàn, nhiều đại biểu đã góp ý, đề xuất thêm một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang Nhật Bản, bao gồm: Tiếp tục cập nhật, bổ sung chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người lao động hiểu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này cũng như hậu quả nếu vi phạm… Cùng với đó là giải pháp thực thi hiệu quả các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.