Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội lên nhóm dẫn đầu toàn quốc; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong giải quyết thủ tục hành chính là mục tiêu hướng đến của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội trong năm 2025.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang về vấn đề này.
Bước đổi mới sâu rộng về phục vụ hành chính công
- Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công với phương châm hoạt động “Hành chính thông minh - Tận tâm phục vụ” nhằm cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công.
Từ ý nghĩa đó, Trung tâm luôn hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ hành chính công chuyên nghiệp và hiệu quả, bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác với phương châm “3 phi" (phi địa giới, phi trung gian, phi vật chất). Cùng với đó là tăng tính minh bạch và trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân nắm rõ quy trình, trạng thái xử lý hồ sơ, từ đó giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng hoặc thiếu công khai. Trung tâm ứng dụng công nghệ số, tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại để số hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến và giảm thiểu thủ tục giấy tờ. Đóng vai trò là cầu nối, Trung tâm hỗ trợ và hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin thông qua việc phục vụ tận tâm, lấy ý kiến phản hồi để không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ.
Việc thành lập Trung tâm là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.
- Trung tâm được tổ chức hoạt động theo 3 giai đoạn. Theo ông, giai đoạn nào là quan trọng nhất đối với Trung tâm?
- Trong 3 giai đoạn tổ chức hoạt động của Trung tâm, giai đoạn 1 từ ngày 1-10-2024 đến hết ngày 31-3-2025 được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định. Trong giai đoạn này, Trung tâm tập trung thành lập tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ (trong đó tập trung vào hạ tầng số và nền tảng số), sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng khung quản trị nội bộ; tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính; thành lập các chi nhánh, tái cấu trúc thủ tục hành chính, nghiên cứu hiến kế và đưa vào hoạt động nhiều hạ tầng công nghệ mới…, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ vào điều kiện đáp ứng của cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và hạ tầng số, Trung tâm nghiên cứu thí điểm thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành từ ngày 1-3-2025. Trên cơ sở các yếu tố về vị trí địa lý, mật độ dân số, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân…, Trung tâm xem xét lựa chọn địa điểm, khu vực để thí điểm tiếp nhận và giải quyết một số thủ tục hành chính của sở, ban, ngành.
Hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả
- Xin ông cho biết, quá trình tổ chức hoạt động của Trung tâm kể từ khi thành lập đến nay?
- Trung tâm đã nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến với gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính, dự kiến mở rộng 100 đại lý dịch vụ công trực tuyến trước ngày 15-3-2025. Đồng thời, triển khai sắp xếp lại mạng lưới bộ phận “một cửa” tại 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện theo mô hình phi địa giới hành chính. Trước mắt là tổ chức 12 chi nhánh khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tối ưu hóa hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Trung tâm đã hoàn thành phân hệ báo cáo dịch vụ công, Hệ thống thông tin báo cáo, cảnh báo chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, Trạm số hóa (ví giấy tờ điện tử của công dân), tích hợp cơ sở dữ liệu người dùng (LDAP) phục vụ đăng nhập một lần (SSO); đang thực hiện lập trình chứng thực điện tử, phi địa giới hành chính, thanh toán số.
Bên cạnh đó, việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực sẽ được Trung tâm Phục vụ hành chính công phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2025...
Đối với triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đã đạt gần hơn 5,3 triệu tài khoản với tổng số gần 40 nghìn phản ánh hiện trường. Trung tâm đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính, hỗ trợ khai thác sử dụng iHanoi thông qua kênh 1022 - nhánh số 7 và 8.
- Năm 2025 quyết định đến hiệu quả xây dựng, phát triển chức năng, nhiệm vụ, vậy Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đã có những giải pháp nào?
- Trong năm nay, Trung tâm chú trọng việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho tổ chức, công dân; phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, Chỉ số cải cách hành chính - PAR Index, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS, Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI của thành phố Hà Nội lên nhóm dẫn đầu toàn quốc. Trong đó, Trung tâm đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó là tổ chức hiệu quả các chi nhánh, điểm tiếp nhận, đại lý dịch vụ công trực tuyến, tạo cơ chế tiếp nhận thủ tục hành chính phi địa giới hành chính, nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, tăng cường hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống chi nhánh tập trung, liên thông, đồng bộ trên toàn thành phố.
Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, tái cấu trúc thủ tục hành chính với những nhóm thủ tục hành chính còn lại, xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm các giai đoạn không cần thiết, kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính. Đồng thời, khai thác hiệu quả Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; từ đó thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng tiến độ, chất lượng; xử lý và đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...
Trung tâm cũng sẽ tăng cường tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp, người dân qua ứng dụng iHanoi, đường dây nóng, hòm thư góp ý, mạng xã hội hoặc phản ánh trực tiếp; giải quyết triệt để các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến quy định về thủ tục hành chính, liên quan đến cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức tốt việc tuyển dụng đội ngũ công chức, viên chức; bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí, tiêu chuẩn chức danh; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ.
Tất cả giải pháp nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.