Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ban hành đạo luật ngăn chặn tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á

Nguyễn Thúc| 27/05/2021 18:43

(HNMO) - Chiều 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại lễ ký ban hành Đạo luật Chống thù ghét người gốc Á.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký đạo luật cấm kỳ thị người Mỹ gốc Á, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc bảo đảm đời sống ổn định, an ninh, an toàn và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành Đạo luật về các tội ác thù hận Covid-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á. Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân các nước tại Hoa Kỳ, được bảo đảm an toàn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm để tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”.

Trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ mới, trong đó có việc gia nhập thêm các công ước của ILO, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng luôn nỗ lực để đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động. Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác quốc tế về lao động và nguồn nhân lực.

Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm bảy trong tổng số tám công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng, chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.

Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập thêm 15 công ước của ILO, trong đó có công ước cơ bản còn lại về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức như theo cam kết và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, ngày 20-5-2021, Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại họp báo thường kỳ chiều 27-5.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Philippines có dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp thiết thực, tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Bình luận về thông tin Trung Quốc tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông thời gian qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong rằng, các bên nỗ lực đóng góp một cách có trách nhiệm vào vấn đề này”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ban hành đạo luật ngăn chặn tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.