(HNMO) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về tổng số lượt người dùng tải ứng dụng và thứ 10 trên thế giới về thời gian người dùng sử dụng ứng dụng trên smartphone.
Nền tảng số của Việt Nam trong lĩnh vực liên lạc được tải và sử dụng nhiều nhất. Số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2-2022, cao hơn Messenger của Meta (67,8 triệu).
Đặc biệt, trong tốp 5 ứng dụng liên lạc, tổng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hằng tháng trên Zalo và Mocha xấp xỉ đạt 591MB (58,84% toàn thị trường), nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên tốp 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (tổng Messenger, Viber và Telegram là 413,3MB, chiếm 41,16%). Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút dữ liệu người dùng Việt Nam lưu trữ trên nền tảng số của Việt Nam.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng (19,9 triệu) trong nhóm y tế.
Ứng dụng ViettelPost chuyển phát nhanh đứng đầu nhóm ứng dụng giao hàng cả về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng.
Lĩnh vực tài chính số phát triển khá ổn định, vững chãi và tương đối đồng đều giữa các ngân hàng.
Tuy nhiên, hầu hết các nhóm nền tảng xã hội số khác còn phát triển khiêm tốn, trong đó, một số nền tảng số như du lịch, học tập, chăm sóc sức khỏe có dấu hiệu giảm trong quý I-2022.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm đánh giá, công bố các nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và sử dụng phục vụ đời sống hằng ngày...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.