(HNMO) - Tại Việt Nam, hiện đã phát hiện 10 ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV), trong đó có 3 ca ở các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh đã khỏi bệnh và xuất viện. Việt Nam cũng là một trong 28 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc nCoV.
Ngày 6-2, Bộ Y tế dẫn câu trả lời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vi rút nCoV. Theo đó, giống như các bệnh về đường hô hấp khác, khi nhiễm nCoV có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong. Người già và những người mắc bệnh mạn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dễ bị bệnh nặng hơn.
Hiện, trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều bài thuốc chữa vi rút corona. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện không có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu với vi rút mới này. Việc điều trị bệnh hiện nay chủ yếu dựa trên nguyên tắc cơ bản, như: Điều trị triệu chứng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng nước, điện giải; theo dõi thật sát diễn biến, độ bão hoà oxy trong máu (hô hấp).
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân mắc nCoV đều nguy kịch và phải dùng thở máy. Với 10 bệnh nhân mắc nCoV tại Việt Nam, đa phần đều điều trị triệu chứng, trừ bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc có nhiều bệnh lý nền mới phải cho thở oxy.
“Những người bị nhiễm nCoV không có tái nhiễm vì có miễn dịch, nhưng thời gian miễn dịch đến bao lâu chưa có nghiên cứu đầy đủ. Thông tin ban đầu cho thấy có thể kéo dài 2 năm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Cục đang tập hợp hướng điều trị của 3 bệnh viện (gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà) vừa thành công trong việc chữa khỏi cho 3 ca bệnh nCoV tại Việt Nam và các chuyên gia của Trung Quốc để từ đó hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nCoV. Sau đó, ngày 8-2, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn phác đồ điều trị cho toàn bộ hệ thống y tế, trong đó có cả y tế tuyến huyện, để hạn chế việc chuyển tuyến, tránh lây lan mầm bệnh.
"Trước mắt, chúng tôi có 40 đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xuống hỗ trợ cho y tế tuyến tỉnh, huyện. Số điện thoại liên hệ với đội cấp cứu cơ động là 225", ông Khuê cho biết.
Về vấn đề điều trị, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện tuyến trung ương phải chuẩn bị tình huống xấu nhất, đó là dịch lan rộng. Hiện, Việt Nam đã dự trù hơn 3.000 giường bệnh, rà soát các bệnh viện với gần 1.000 máy thở. Thậm chí, Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng huy động toà nhà mới để phục vụ công tác thu dung, điều trị khi cần. Riêng Hà Nội có gần 2.000 giường bệnh sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.