Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp| 24/03/2021 14:47

(HNMO) - Ngày 24-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Báo cáo nêu rõ, mặc dù nhiệm kỳ qua gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam đạt được những thành tựu toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm xuyên suốt của cả nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định định hướng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Về những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt gần 63%). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776/9.926 (đạt 68%) danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành.

Chính phủ đã chỉ đạo phương án xử lý theo hướng tập trung một đầu mối, thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền giữa các bộ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.

Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ năm trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

“Kết quả này được đánh giá có mức độ cải thiện về chất lượng cao hơn so với mức trung bình của thế giới, là một trong những minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ trên 30%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận “một cửa” các cấp để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, 59/63 địa phương thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát tình hình, nhận diện đúng thời cơ, thách thức, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo quý, năm với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình thực tế.

Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,2%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (7,65%). Lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (5,15%).

Đặc biệt, năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, không để bị động, bất ngờ; tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trọng tâm cho tăng trưởng; đồng thời chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với hệ thống chỉ tiêu, giải pháp cụ thể.

Mặc dù năm 2020, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 đạt 2,91%, tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

“Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,99%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (5,91%) và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Xác định phương châm hành động năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, Thủ tướng đề nghị tập trung vào 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó, cần sớm rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, hạ tầng; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phi giấy tờ và công chức điện tử. Thực hiện hiệu quả chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

“Những kết quả chủ yếu đạt được, những ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra cũng như một số kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới không chỉ là tổng kết, kiểm điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới và các cơ quan trong hệ thống hành chính, chính quyền các cấp nghiên cứu, tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, có ý chí, quyết tâm hành động mạnh mẽ với khát vọng trở thành giàu có, thịnh vượng, bền vững trường tồn. Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ XXI sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.