Sáng 12-8, Tập đoàn Đàn hương Việt Nam (VietNam Sandalwood Group) tổ chức tọa đàm về phát triển cây đàn hương tại Việt Nam.
Tham dự có nhiều chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế; các doanh nghiệp và hơn 30 chủ trang trại trồng cây đàn hương trên toàn quốc...
Thông tin tại tọa đàm cho biết: Cách đây 8 năm, giống cây đàn hương được đưa từ Ấn Độ về Việt Nam. Cây đàn hương có tên khoa học Santalum album L, họ đàn hương (Santalaceae). Tại Việt Nam hiện nay, cây đàn hương được nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công tại 45 tỉnh, thành phố…
Đây là cây thân gỗ cao 10-15m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh. Người dân đang có vườn cây ăn quả các loại như cam, bưởi, vải, mít… có thể trồng xen cây đàn hương để có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng.
Trồng xen cây đàn hương vừa không tốn đất, vừa tiện chăm sóc, đàn hương vẫn phát triển tốt, vừa góp phần bổ sung cho phân khúc rừng trồng, rừng đặc dụng, trồng rừng để bảo tồn và giúp bảo vệ môi trường.
Đàn hương có nhiều giá trị sử dụng, lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất mỹ phẩm cao cấp, dưỡng da tự nhiên. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu… Sau 12 năm, mỗi cây cho khoảng 20-25kg lõi gỗ, giá bán khoảng 100 USD/kg. Như vậy mỗi cây gỗ đàn hương sẽ có giá trị phần gỗ khoảng 2.000-3.000 USD.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện nghiên cứu cây đàn hương, cây đàn hương xanh lá quanh năm, cho lượng oxy gấp hơn 6 lần cây khác, bảo vệ môi trường, chịu hạn tốt, chỉ cần một lần bón phân hữu cơ dưới hố khi trồng; cây kỵ các loại chất hóa học.
Ông Vũ Văn Hà - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đàn hương Việt Nam cho biết, tập đoàn đã đầu tư trồng được hơn 300ha cây đàn hương tại Việt Nam; liên kết trồng hơn 500ha; ký hợp đồng với người trồng để bao tiêu đầu ra, tổng diện tích khoảng 2.500ha...
Thời gian tới, tập đoàn tiếp tục hợp tác và ký hợp đồng bao tiêu với người trồng đàn hương; xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ đàn hương để xuất khẩu; xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại nơi trồng đàn hương, góp phần chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, hướng tới xây dựng thương hiệu về loại cây gỗ quý này.
Ngoài ra, Tập đoàn Đàn hương Việt Nam sẽ phối hợp với thị xã Sơn Tây trồng đàn hương trên tổng diện tích hơn 20ha, góp phần tích cực thực hiện "Chương trình cải tạo vườn tạp bằng cây đàn hương đa giá trị", nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
* Cũng trong sáng 12-8, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm tổ chức ra mắt thương hiệu chăm sóc sức khỏe cá nhân cao cấp từ sâm Bố Chính hữu cơ, trồng tại địa bàn xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.