(HNMO) - Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Ngày 10-5, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV (ung thư cổ tử cung) tại Việt Nam do tổ chức này phối hợp thực hiện cùng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Victoria và Viện Daffodil (Australia).
Theo nghiên cứu này, ung thư cổ tử cung đang là căn bệnh mang lại mối quan tâm lớn cho sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi rút HPV (một loại vi rút gây u nhú ở người - Human Papillomavirus). Năm 2018, ung thư cổ tử cung xếp thứ 6 trong danh sách các loại ung thư phổ biến nhất với phụ nữ Việt Nam, với 4.200 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong.
Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Với mục tiêu thanh toán căn bệnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới có các biện pháp cụ thể để bảo đảm 90% trẻ em gái trước 15 tuổi được tiêm chủng HPV, 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, và họ được tái xét nghiệm trước 45 tuổi. Đồng thời, bảo đảm chữa trị cho 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư và 90% phụ nữ đã bị ung thư xâm lấn cho đến năm 2030.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung vẫn còn thấp. Theo Điều tra các chỉ tiêu Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) về Phụ nữ và Trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2021 với sự hỗ trợ của UNFPA và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 đã tiêm vắc xin và chỉ 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư.
Nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị ung thư cổ tử cung được điều trị đầy đủ.
Nếu kết hợp tiêm chủng HPV với sàng lọc và điều trị thì Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung chỉ trong vòng 29 năm, sớm hơn nếu chỉ thúc đẩy tiêm chủng HPV.
Nghiên cứu cũng ước tính rằng, một đô la đầu tư vào các chương trình ngăn ngừa ung thư cổ tử cung có thể mang lại lợi ích kinh tế tương đương từ 5 đến 11 đô la. Số tiền này tăng lên vào khoảng từ 8 đến 20 đô la nếu kết hợp lợi ích kinh tế và xã hội.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), nghiên cứu đã cho thấy những bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả chi phí và lợi ích từ việc đầu tư và đưa ra tiến độ thanh toán ung thư cổ tử cung ở Việt Nam. Những bằng chứng khoa học này đáng để Chính phủ cân nhắc, bố trí nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng các chiến lược tối ưu về phòng chống ung thư cổ tử cung ở nước ta.
UNFPA cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác triển khai thực hiện tiêm chủng HPV tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.