(HNMO) - Theo số liệu ước tính, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo, đến năm 2030, ngành Y tế Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng.
Sáng 18-8, phát biểu khai mạc Hội nghị Khoa học điều dưỡng bệnh viện năm 2022, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh, điều dưỡng là một nghề chuyên biệt. Điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện các y lệnh của bác sĩ mà họ chính là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh, đặt mình vào vị trí người bệnh.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, tại các cơ sở y tế đang thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng rất lớn. Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân nước ta hiện nay là 11,4 - thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo, đến năm 2030, ngành Y tế Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng.
Báo cáo tại hội nghị, nhóm chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong một khảo sát mới đây, có tới 76,7% nhân viên y tế từng mắc Covid-19 tại bệnh viện bị stress ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, đây là các nhân viên làm việc tại bệnh viện bị mắc Covid-19 hoặc đã và đang điều trị tại bệnh viện từ ngày đầu tiên bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đến ngày 31-3-2022.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chịu tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là nhóm điều dưỡng và bác sĩ điều trị. Trong số 76,7% nhân viên y tế tham gia nghiên cứu bị stress, có 34,3% người căng thẳng mức độ nhẹ; 34,8% người căng thẳng mức độ vừa; 7,6% người căng thẳng mức độ nặng.
Các yếu tố tác động tới mức độ stress của nhân viên y tế bao gồm: Số giờ làm việc trung bình/ngày và các áp lực họ đã trải qua trong thời gian tham gia chăm sóc bệnh mắc Covid-19 hoặc bản thân mắc Covid-19, áp lực về thời gian hoàn thành công việc, áp lực từ cấp trên, chứng kiến biến chứng nặng hay tử vong do Covid-19…
Do đó, các bác sĩ nhấn mạnh, cần chăm sóc sức khỏe và tinh thần đối với nhân viên y tế song song với việc điều trị, cứu chữa người bệnh nhất là khi phải sống chung với đại dịch. Bên cạnh đó, việc cải thiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nhân viên y tế, tạo môi trường và điều kiện làm việc thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ…
Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ 75 đơn vị trên cả nước, là dịp để các cán bộ y tế và các đồng nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức chuyên môn, các mô hình chăm sóc người bệnh tiên tiến… với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.