Chiều 18-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” nhân Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ 3, Quỹ VinFuture tổ chức phiên tọa đàm thứ hai: “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Thúc đẩy miễn dịch học để điều trị rối loạn tự miễn là vấn đề được quan tâm hiện nay. Bệnh được công nhận lần đầu vào năm 1900, nhưng đến nay, việc làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh vẫn là thách thức lớn, tốn nhiều thời gian và công sức của các nhà khoa học.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ mắc rối loạn miễn dịch sau dịch tăng và nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%. Hiện, những hiểu biết về rối loạn tự miễn còn hạn chế nên tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, giúp mang tới những hy vọng cho người bệnh.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày 5 tham luận: “Giới thiệu về miễn dịch học chính xác” (GS Đặng Văn Chí - Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig và GS Y khoa ung thư của Bloomberg tại Johns Hopkins); “Liệu pháp nhắm đích - Mục tiêu điều trị phổ biến cho bệnh viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp” (GS Jang-Soo Chun - Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju); “Liệu pháp tế bào T điều hòa giúp điều trị các bệnh miễn dịch” (GS Shimon Sakaguchi - Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka, Nhật Bản); “Hệ vi sinh vật: Định hình các cách tiếp cận mới trong miễn dịch” (GS Pascale Cossart - nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur, Paris, Pháp); “Những nhu cầu chưa được đáp ứng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tự miễn ở Việt Nam” (TS Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec).
Theo TS Nguyễn Văn Đĩnh, bệnh tự miễn hiểu là hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể, như vảy nến, viêm mạch máu… Trước kia, bệnh tự miễn được coi là hiếm gặp nhưng hiện chiếm 4-5% trong cộng đồng dân số. Tỷ lệ bệnh tự miễn ngày càng tăng. Theo nghiên cứu thế giới, hiện tại có tới 20% tập trung vào tự miễn. Việt Nam có 100 triệu dân nhưng tỷ lệ bệnh tự miễn khoảng 4%, tức là có 4 triệu người bị mắc bệnh.
TS Nguyễn Văn Đĩnh cho rằng, các chuyên ngành phải phối hợp điều trị giúp cho bệnh nhân tốt nhất. Ví dụ bệnh nhân có vấn đề về thể chất và tâm lý thì cần điều trị cả hai. Hiện nay, 25% bệnh nhân mắc nhiều hơn một bệnh lý tự miễn.
Về triển vọng tạo ra vi sinh vật để điều trị cho số đông người dân, GS Pascale Cossart cho biết, vấn đề này đang được nghiên cứu, xác định vi khuẩn có lợi để cải thiện hiệu quả trong điều trị bệnh tự miễn.
“Vi sinh vật khác nhau trong cơ thể người ở từng quốc gia, phụ thuộc vào cơ chế ăn uống và địa lý. Chế độ ăn uống phần lớn tạo ra lượng vi sinh vật trong cơ thể và con người có thể thay đổi điều này. Hai người song sinh ở vùng khác nhau thì lượng vi sinh vật cũng khác nhau” - GS Pascale Cossart nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.