(HNM) - Hôm qua, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông báo cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Ebola tại Tây Phi tới ngày 14-8 từ Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo đó, chỉ trong 2 ngày 10 và 11-8, Bộ Y tế của 4 quốc gia Tây Phi (gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone) đã thông báo đến WHO ghi nhận thêm 128 trường hợp mắc mới Ebola, trong đó có 56 ca tử vong. Như vậy, tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay, thế giới đã ghi nhận 1.975 trường hợp mắc, trong đó có 1.069 trường hợp tử vong. Hiện WHO chưa có thông tin chính thức nào về quốc gia khác ghi nhận bệnh Ebola ngoài 4 quốc gia Tây Phi đang có dịch bệnh nói trên.
Kiểm tra sức khỏe sinh viên Nigeria vừa tới Việt Nam. |
Nhiều người đang lo ngại nếu dịch Ebola xâm nhập, Việt Nam có đủ điều kiện xét nghiệm virus nguy hiểm này và cho kết quả ngay hay phải gửi mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay, xét nghiệm chẩn đoán virus Ebola chủ yếu dựa vào kỹ thuật sinh học phân tử. Với những thiết bị hiện có ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Việt Nam có đầy đủ năng lực để phát hiện loại dịch bệnh này. Các kỹ thuật xét nghiệm virus Ebola thường cho kết quả từ 24 đến 48 giờ.
* Cùng ngày, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện 5 bệnh viện (BV) được giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola là Thanh Nhàn, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Hà Đông và Đức Giang đều đã chuẩn bị khu cách ly với khoảng 160 giường để tiếp nhận bệnh nhân (nếu có). Ngoài ra, ngành y tế Thủ đô cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế bao gồm: 261 máy thở các loại, 300 monitor theo dõi bệnh nhân, 350 bơm tiêm điện, 24 máy su páp hỗ trợ thở, thuốc, dịch truyền, hóa chất xử lý môi trường phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc virus Ebola, đồng thời củng cố các đội phòng chống dịch cơ động với 64 đội của các trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế các quận, huyện; chuẩn bị 80 chiếc máy phun, 14 tấn hóa chất diệt khuẩn, 7.000 khẩu trang N95, 34.300 khẩu trang 3 lớp, 8.500 đôi găng tay sẵn sàng cho công tác xử lý ổ dịch. Hôm qua, BV Đa khoa Hà Đông - một trong những BV tham gia thu dung bệnh nhân Ebola (nếu có) đã tổ chức tập huấn phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành cho bác sĩ, điều dưỡng, trưởng khoa, phòng tại BV.
* Ngày 14-8, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành kiểm tra trực tiếp sức khỏe 3 sinh viên người Nigeria (một trong 4 nước đang có dịch Ebola) vừa tới Việt Nam. Được biết, đây là những sinh viên nhập cảnh theo học tại Trường Đại học FPT tại Hà Nội, trong đó có 2 sinh viên nhập cảnh ngày 8-8 và 1 sinh viên nhập cảnh ngày 31-7.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp về Việt Nam từ các nước có dịch chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày.
Sở Y tế TP Hà Nội cũng đã thiết lập hai số điện thoại thường trực, gồm: 0969.082.115; 094.9396115 để tư vấn và tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh, trong đó có Ebola.
* Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng vừa có Văn bản số 1161/QLLĐNN-PCTH yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Theo đó, các DN phải kiểm tra, rà soát, báo cáo Cục trước ngày 16-8 về lao động Việt Nam do doanh nghiệp đưa sang làm việc tại khu vực có dịch bệnh nói riêng (nếu có) và khu vực Châu Phi nói chung; tuyên truyền cho người lao động đang sống, làm việc tại các khu vực có dịch bệnh để tự chủ động phòng chống bệnh hiệu quả; không đưa lao động sang các vùng đang có dịch bệnh cũng như các vùng có khả năng lây dịch cao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.