Sáng 24/6, tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen chủ trì Hội nghị hợp tác đầu Việt Nam - Campuchia lần thứ 3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 3 là hoạt động quan trọng trong các sự kiện của “Năm hữu nghị Việt Nam- Campuchia” và kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là cơ hội để hai bên đánh giá quan hệ hợp tác đầu tư và đặc biệt là đánh giá kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam tháng 12/2009 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại Phnompenh, Campuchia tháng 4/2011. Đồng thời, cũng là dịp để hai bên trao đổi, tìm các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam- Campuchia phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm qua (2007-2011) tăng nhanh, từ gần 1,2 tỷ USD lên trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,3 lần, với tốc độ tăng bình quân gần 25%/năm; riêng năm 2011 tăng trên 55% so với năm 2010; 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2011.
Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có trên 110 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,4 tỷ USD. Nhiều dự án quy mô lớn đã được triển khai khá thuận lợi, một số dự án đã đi vào hoạt động và đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, với quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của nhân dân hai nước. Vì vậy, hai nước cần đẩy mạnh các cơ hội hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch … đạt kết quả cao hơn nữa.
Cho biết trong bối cảnh chung doanh nghiệp của hai nước đang gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành của Campuchia dành sự quan tâm hơn và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Campuchia; sớm xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan chức năng của hai nước xem xét, tạo thuận lợi để các dự án đang được doanh nghiệp hai nước tích cực chuẩn bị hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong đó có các dự án trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, phát triển nông lâm nghiệp.
Cùng với đó, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp của hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm các dự án, hợp đồng đầu tư kinh doanh mới, trước hết là hướng vào các lĩnh vực mà hai nước đều có nhu cầu hợp tác, Campuchia có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông lâm sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, ở Campuchia; chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại. Ngoài mục tiêu hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm giúp đỡ các đối tác và địa phương Campuchia cùng phát triển. Mỗi dự án đầu tư thành công sẽ là sự đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Về phía mình, Thủ tướng Campuchia Hunsen bày tỏ tin tưởng Hội nghị lần này sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc tìm ra những cơ hội mới trong tăng cường, củng cố và mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng Hunsen cho biết, Campuchia đã mở cửa nền kinh tế, thực hiện mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, không phân biệt giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Đồng thời Campuchia đang thực hiện sửa đổi, bổ sung một cách nghiêm túc các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, sửa đổi việc quản lý đất đai, quản lý hành chính, củng cố hệ thống hạ tầng cứng và hạ tầng mềm… nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho hoạt động đầu tư và kinh doanh có hiệu quả.
Thủ tướng Hunsen khẳng định, Campuchia hoan nghênh, chào đón và khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung hợp tác, làm ăn lâu dài tại Camphuchia, đồng thời Chính phủ Campuchia sẽ không ngừng tạo dựng môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan của hai nước đã trao đổi, thảo luận với đại diện doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách mới nhất trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư của Chính phủ Campuchia đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam.
Các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng đã trao đổi và thảo luận về cơ chế, chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào Campuchia.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2012, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 112 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 21 triệu USD/dự án. Campuchia hiện đứng thứ 2/60 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Nhìn chung các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, lâm nghiệp, nông nghiệp. Nhiều dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, qua đó đã đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia. Hợp tác du lịch hai nước cũng ngày càng phát triển. Trong 5 năm (2007-2011) khách du lịch Campuchia đến Việt Nam tăng gấp gần 3 lần, tốc độ tăng bình quân 29%/năm; khách du lịch Việt Nam đến Campuchia gấp 4,5 lần, với tốc độ tăng bình quân gần 46%/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.