Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam 2009, 10 sự kiện nổi bật

Hànộimới| 01/01/2010 07:45

(HNM) - Lời tòa soạn: Năm 2009, với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức gay gắt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên toàn cầu…

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2009 do báo Hànộimới bình chọn.

1 - Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ phát huy hiệu quả trong việc chống suy giảm và khôi phục nền kinh tế


Hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, năm 2009 Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP với 4 nhóm giải pháp cấp bách: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tổ chức thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động; thực hiện chính sách tài chính tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội. Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, quyết tâm của cộng đồng DN và nỗ lực của toàn xã hội, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong năm 2009 với 5,2%.

2 - Được mùa, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới


Năm 2009, Việt Nam phải đối phó với nhiều thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất nông nghiệp. Song với nỗ lực vượt khó, sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa. Tổng sản lượng lương thực đạt 39,9 triệu tấn dù diện tích sản xuất lúa gạo giảm; sản lượng xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 2,4 tỷ USD, lập kỷ lục mới cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công Festival Lúa gạo, tôn vinh cây lúa nước và những người trồng lúa đã có công đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới.

3 - Phát động đợt thi đua đặc biệt "Cả nước hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"


Đợt thi đua được phát động nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2009). Qua đó động viên, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tạo động lực góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2006-2010. Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt này, Hà Nội cùng cả nước đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều hoạt động thiết thực. Nhiều công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã và sẽ được hoàn thành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

4 - Kết thúc 35 năm đàm phán biên giới trên bộ Việt Nam và Trung Quốc bằng sự kiện hai nước ký các văn kiện quan trọng


Đó là Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Các văn kiện này được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ thay mặt Chính phủ hai nước ký ngày 18-11-2009, tại Bắc Kinh. Như vậy, sau 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, chúng ta đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử giao phó, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai nước.

5 - Ra mắt dòng sản phẩm dầu đầu tiên ở Việt Nam


Ngày 17-2-2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đã cho ra dòng sản phẩm đầu tiên. Khi đi vào sản xuất ổn định, nhà máy sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Việc hoàn thành đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho ngành công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp, dịch vụ khác phát triển... Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên do Việt Nam tự bỏ vốn đầu tư, cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam.

6 - Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao


Các chuyến thăm song phương cũng như các cuộc gặp đa phương của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh Việt Nam vượt lên cuộc khủng hoảng toàn cầu; đặc biệt Việt Nam đảm nhận thành công nhiệm kỳ 2 năm (2008-2009) Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cũng như 2 tháng trên cương vị Chủ tịch HĐBA (tháng 7-2008 và 10-2009) là những thành tựu đối ngoại nổi bật. Qua 2 năm trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA cũng như 2 nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng cũng như các cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ châu Phi, châu Á đến Trung Đông và châu Mỹ... với hơn 1.500 cuộc họp được tổ chức để thông qua 113 nghị quyết, ra 165 tuyên bố về các vấn đề trên toàn thế giới.

7 - Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại


UNESCO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời đặt ra vấn đề chúng ta cần phải làm gì và làm thế nào để bảo tồn di sản Ca trù và Quan họ nói riêng, các di sản văn hóa nói chung cho thế hệ mai sau.

8 - Thành công lớn của thể thao Việt Nam bằng những thành tích xuất sắc tại 2 đại hội lớn


Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIG 3) là sự kiện thể thao lớn nhất Việt Nam từng đăng cai. Thủ đô Hà Nội với việc đảm trách nhiệm vụ đăng cai chính, tổ chức lễ khai mạc, bế mạc rất thành công, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bè bạn quốc tế về một Việt Nam thân thiện, mến khách, năng động, sáng tạo, đoàn kết, hội nhập, hợp tác "Vì một châu Á phát triển".

Tại SEA Games 25, Đoàn TTVN giành được 83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ, vững vàng vị trí thứ 2 toàn đoàn, khẳng định TTVN có chỗ đứng vững chắc ở nhóm các nước dẫn đầu khu vực, đủ cơ sở để tự tin hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn ở tầm châu lục và Olympic.

9 - Kiểm soát thành công các dịch bệnh, trong đó có dịch cúm A/H1N1


Ngày 31-5-2009, Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm A/H1N1 đầu tiên. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trên thế giới cùng với sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, Bộ Y tế nên đã ngăn chặn được dịch không lây lan nhanh trong cộng đồng, hạn chế tỷ lệ tử vong. Việt Nam là nước được xếp vào nhóm nước có mật độ lây lan cúm A/H1N1 ra cộng đồng chậm với tỷ lệ 0,013% và tỷ lệ tử vong thấp, với 0,45%.

10 - Năm đầy biến động của giá vàng và tỷ giá hối đoái


Năm 2009, giá vàng liên tục thiết lập đỉnh mới, trong đó ngày 11-11, giá vàng trong nước đã bỏ xa giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng,"leo" lên "đỉnh" chưa từng có trong lịch sử: 29,3 triệu đồng/lượng. Trong năm, giá USD trên thị trường tự do có thời điểm được đẩy lên gần 20.000 đồng/USD, cao hơn giá niêm yết của các ngân hàng thương mại vài nghìn đồng/USD. Tuy nhiên, với những biện pháp can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng và tỷ giá hối đoái đã dần ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam 2009, 10 sự kiện nổi bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.