(HNM) -
Không đơn giản là viết lại hồi ức hơn 6 năm (từ năm 1971 đến 1977) của một người chiến sĩ tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước, tác giả mong muốn ký ức của một người trong cuộc sẽ giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng giá trị của hòa bình, sự hy sinh của những thế hệ cha anh.
Bìa cuốn sách. |
- Trước tiên, ông có thể chia sẻ đôi điều khi lần đầu tiên được Hội Nhà văn Hà Nội quyết định trao giải “Tác giả có tác phẩm đầu tay” với “Hồi ức lính”?
- Một chút bất ngờ, nhưng trên hết là sự cảm động, mừng vui vì tác phẩm của mình đã được giới nghề công nhận, giúp tác phẩm có cơ hội lan tỏa rộng hơn, được nhiều bạn đọc biết tới hơn. Tôi viết “Hồi ức lính” với tư cách cá nhân, với góc nhìn của một người lính bình thường, kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó. Có lẽ sự chân thực, không dàn dựng ấy phần nào “chạm” đến trái tim người đọc, nên rất nhiều bạn đọc đã chủ động viết thư, gặp gỡ và xin chữ ký tác giả, bày tỏ sự đồng cảm, yêu thích cách viết của một “người trong cuộc”. Tôi hy vọng qua cuốn sách này mọi người sẽ biết rõ hơn về cuộc sống, những trải nghiệm của người chiến sĩ trong chiến tranh. Chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế!
- Vậy, có sự thôi thúc đặc biệt nào khiến ông quyết định viết sách, dù không phải “dân chuyên”?
- Tôi nhập ngũ tháng 9-1971, tham gia Bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào và Mặt trận B3 Tây Nguyên... Sau khi giải ngũ năm 1977, tôi quay lại giảng đường học tập, trở thành kỹ sư điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, sau là cán bộ Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa... Không phải dân viết văn chuyên nghiệp nhưng tôi quyết định viết cuốn sách này ở thời điểm sắp nghỉ hưu, công việc được giảm tải, có thời gian cho riêng mình. Tôi viết, bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của những người chị, người em thân thiết khi nghe tôi chia sẻ một vài câu chuyện thời đi chiến đấu. Nó cho thấy, dù có rất nhiều cuốn sách viết về chiến tranh nhưng nhiều người vẫn rất thiếu thông tin, không hình dung được những người chiến sĩ chúng tôi đã sống, sinh hoạt và chiến đấu như thế nào. Tôi viết trên cơ sở hình dung lại tỉ mỉ toàn bộ sự kiện trong cuộc đời quân ngũ được ghi lại thứ tự trong sổ tay nhật ký của mình. Viết để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh, để tôi và nhiều anh em được sống trọn vẹn cuộc đời hôm nay.
- Rất nhiều người tham gia chiến đấu, nhưng không phải ai cũng viết được câu chuyện của riêng mình...
- Tôi may mắn có trí nhớ rất tốt và có thói quen viết từ nhỏ, thường nghe đài phát thanh và chép lại các câu chuyện hay giúp mẹ tôi - khi đó là một cô giáo dạy cấp 1 - làm tài liệu dạy học. Trong chiến tranh, cũng có giai đoạn tôi được chính trị viên giao nhiệm vụ nghe đài và ghi chép lại thông tin rồi phổ biến cho anh em, nên thói quen viết càng được củng cố. Cuốn sách được Nhà Xuất bản Trẻ phát hành, rất may mắn là hầu như không bị cắt sửa. Sách in khổ 16x24cm, chữ nhỏ, hơn 700 trang, giữ được “giọng lính”. Sướng nhất là được viết đúng kiểu có gì kể nấy.
- Chắc hẳn có những câu chuyện không dễ viết ra, thưa ông?
- Có những câu chuyện được nhiều nhà làm phim chia sẻ, họ rất muốn được dựng phim vì tính nhân văn của nó. Ví như câu chuyện tình yêu của đồng đội tôi với H’Lan - một cô gái người dân tộc xinh đẹp ở Tây Nguyên, suýt bị làng “cúng thần”, thả trôi sông vì cho rằng cô bị ma nhập nên mới “đẹp khác người” như vậy, sẽ gây hại cho bản làng. Hay câu chuyện về một tiểu đội trưởng từng chiến đấu rất dũng cảm, nhưng chỉ vì một khoảnh khắc sai lầm mà hậu quả đeo đẳng mãi về sau... Tôi viết sách không phải để làm văn, cầu mong sự thương cảm hay “ăn mày dĩ vãng”, mà là để tri ân đồng đội, nói về những trải nghiệm của tôi và đồng đội với mong muốn mọi người thấy rõ cái giá của chiến tranh để có được ngày hôm nay, để chúng ta phải sống làm sao cho xứng đáng!
- Ông nói gì về dấu ấn cá nhân qua “Hồi ức lính”?
- Đọc “Hồi ức lính”, đồng đội tôi chia sẻ rằng, họ thấy “có bóng dáng bọn mình”. Tôi hạnh phúc vì được viết thay lời đồng đội. Có những nhà văn tên tuổi gọi điện cho tôi, họ không khen nhưng bày tỏ: “Muốn viết, dựng phim về chiến tranh, chúng tôi phải đọc sách của Chiến”.
Cuộc đời quân ngũ của tôi chỉ hơn 6 năm, chỉ là một phần của cuộc đời. Nhưng không hiểu sao cho đến giờ tôi vẫn luôn coi mình là người chiến sĩ, sống và giữ mãi những phẩm chất tốt đẹp mà mình đã rèn luyện được trong quân ngũ. Với tôi, quân đội thật đúng là một trường học lớn. Rất khắc nghiệt, nhưng khi đã vượt qua rồi thì thấy mình thêm tin yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái và vị tha hơn với cuộc sống này.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!
"Những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Vũ Công Chiến tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính".
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.