Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viễn thông di động: Trở lại độc quyền (?)

Việt Nga| 13/07/2012 07:19

(HNM) - Từ cuối tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp (DN) viễn thông nhỏ mà đại diện là Vietnamobile đã liên tiếp gửi kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phản ánh việc các DN lớn tăng cước thuê hạ tầng truyền dẫn tới vài trăm phần trăm khiến mạng nhỏ có thể bị

Người tiêu dùng liệu có bị ảnh hưởng khi ngành viễn thông di động đang đối mặt với nguy cơ độc quyền trở lại? Ảnh: Thanh Hải


Nguy cơ tái hiện độc quyền

Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) - chủ quản mạng Vietnamobile với báo giới nhân ngày 21-6, lãnh đạo công ty đã chia sẻ một loạt thông tin khẩn thiết về thực trạng hoạt động khi bị các DN lớn chiếm thị phần khống chế (VNPT, Viettel) tăng giá thuê kênh, giá thuê nhà trạm từ 200% đến 300% so với giá cũ. Lời kêu cứu "cực chẳng đã" với giới truyền thông của Vietnamobile là dễ hiểu. Họ đã cùng đối tác nước ngoài đầu tư cả tỷ USD vào thị trường di động để cạnh tranh "sát ván" với các đối thủ nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị đội  chi phí lên hàng nghìn tỷ đồng. Vietnamobile cũng phản ứng việc bị VNPT tăng giá thuê trạm BTS cao gấp hơn hai lần so với trước và cho biết, nếu mức giá thuê mới như kể trên lần lượt được thực thi, họ sẽ bị "sập tiệm"!

Bộ TT-TT đã yêu cầu hai DN chiếm thị phần khống chế về hạ tầng truyền dẫn VNPT, Viettel giải trình về việc tăng giá. Trong thời gian Bộ TT-TT kiểm tra nội dung phản ánh của Vietnamobile, sẽ áp dụng quy định về chính sách bình ổn giá của Luật Viễn thông. Theo đó cả VNPT và Viettel phải áp dụng mức giá thuê kênh cũ cho đến khi Bộ TT-TT có ý kiến chính thức về mức giá thuê đưa ra có hợp lý hay không. Như vậy, tạm thời, lợi thế đang nghiêng về Vietnamobile!

Trở lại vấn đề tăng giá của các DN lớn, trong bài viết này không bàn về mức tăng giá có hợp lý hay không vì đây là việc của cơ quan quản lý nhà nước khi mà việc xác định mức cước phải dựa trên các quy định về giá thành. Song, có một vấn đề là từ câu chuyện về những kiến nghị của Vietnamobile có thể thấy, bóng dáng của sự độc quyền đang có nguy cơ trở lại thị trường viễn thông, nếu cơ quan quản lý không can thiệp kịp thời.

Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng

Có lẽ, với không ít người quan tâm đến ngành viễn thông, sau "sự kiện" khiếu kiện của Vietnamobile đã nhận ra vai trò của EVN Telecom trước khi sáp nhập vào Viettel. Trong làng viễn thông, cho dù có gần 10 DN được cấp phép thiết lập hạ tầng truyền dẫn, song chỉ có 3 DN đầu tư lớn cho mảng này là VNPT, Viettel và EVN Telecom. Với hạ tầng hơn 40.000km cáp quang, EVN Telecom là chỗ dựa quan trọng cho các DN viễn thông và các mạng di động nhỏ khi thuê lại hạ tầng với giá hợp lý và cả khi đàm phán giá cả với VNPT, Viettel. Nếu còn EVN Telecom thì cả VNPT, Viettel không thể đưa ra giá thuê kênh cao. Nhưng khi EVN Telecom thua lỗ và buộc phải sáp nhập, thị trường truyền dẫn đã thay đổi từ thế "kiềng ba chân" sang chỉ còn hai ông lớn. Câu chuyện nối tiếp như đã thấy, sau một thời gian, VNPT, Viettel bắt đầu đưa ra giá thuê hạ tầng truyền dẫn mới (cao gấp 2-3 lần giá cũ). Giả sử, mức giá mới này được áp dụng, người tiêu dùng có bị ảnh hưởng? Câu trả lời là DN (cụ thể là Vietnamobile) chịu thiệt hại đầu tiên, vì trong cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường di động với chiều hướng giá cước ngày càng giảm, nhà mạng này không thể tăng cước, vì làm như vậy sẽ bị thua lỗ. Có thể thấy ý nghĩa tốt đẹp của việc sáp nhập DN (giữa EVN Telecom vào Viettel) mà Chính phủ yêu cầu đã bị mất đi rất nhiều khi vô tình nó là căn nguyên gây ra sự độc quyền cung cấp hạ tầng truyền dẫn, khiến DN nhỏ lâm vào thế bí.

Một vấn đề "nóng" khác diễn ra trong thời gian qua là VNPT đang đề xuất phương án tái cấu trúc   tập đoàn, trong đó có sáp nhập Mobifone và Vinaphone. Cho dù đây mới chỉ là chủ ý của doanh nghiệp, nhưng sau câu chuyện Vietnamobile kêu cứu về giá cước thuê kênh, dư luận cho rằng, nếu việc sáp nhập này được thực hiện, thị trường chỉ còn hai ông lớn di động với hơn 95% thị phần là VNPT và Viettel. Thị phần lớn như vậy, lại không còn thế đối trọng, khi đó lấy gì bảo đảm các doanh nghiệp này không cùng (dù chỉ là sự trùng hợp) tăng giá cước… Và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận tất cả vì không có nhiều lựa chọn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viễn thông di động: Trở lại độc quyền (?)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.