Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn

Vân Hạ| 14/04/2023 11:33

(HNMO) - Mỗi năm một cuốn sách là mục tiêu mà nhà văn Đỗ Bích Thúy tự đặt ra cho mình. Tới nay, chị đã xuất bản 23 cuốn sách, trong đó có 6 tiểu thuyết, còn lại là truyện ngắn, truyện vừa và tản văn. Tập sách mới nhất vừa ra mắt tại Hà Nội - “Than đỏ dưới tro tàn” là cuốn sách thứ 23, cũng là tập tản văn thứ 5 của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Tản văn, như Đỗ Bích Thúy chia sẻ, là thể loại mà càng viết, chị càng thấy rất khó, rất mất sức. Sau 4 cuốn tản văn “rút ruột rút gan” ra mà viết, cuốn tản văn thứ 5 mang đến cho Đỗ Bích Thúy “áp lực” không nhỏ: Viết làm sao để độc giả vẫn nhận ra “chất” Đỗ Bích Thúy nhưng đồng thời luôn có những điều mới mẻ.

Ở tập sách này, như thường thấy, Đỗ Bích Thúy vẫn dành phần lớn số trang về miền núi với những ký ức trong trẻo gắn liền mảnh đất nơi chị sinh ra và lớn lên. Từ ngọn núi, dòng sông, bóng cây hay vòm trời đầy mây đến mùi hương vừa hư ảo vừa thân thuộc như trở đi trở lại trong trang viết của chị gắn với những câu chuyện, những kỷ niệm, hay những dáng hình ai. Trong đó, có cả chính bản thân chị: “Tôi thấy nhớ tôi quá. Là nhớ đứa bé còi cọc đơn độc với vô vàn những mơ ước năm nào”.

Đỗ Bích Thúy đi nhiều, từ miền núi cao, miền biển xanh, đồng bằng hay trung du, và luôn chăm chú quan sát từng chi tiết nhỏ của đời sống, nên tản văn của chị ngày càng đằm sâu hơn, day dứt và nhiều chiêm nghiệm hơn.

Dẫu là những mảnh đất mà chị “chỉ chạm vào phố rồi sẽ rời đi”, hay là Hà Nội, nơi chị đã sống hơn hai mươi năm cuộc đời, thì nơi nào Đỗ Bích Thúy cũng để lại thật nhiều yêu thương: “Tôi không muốn mặc định những chuyến đi. Nhưng tôi biết là mình sẽ viết gì trong những chuyến đi đó. Tôi viết niềm yêu mến của tôi với cuộc đời”.

Đã từng có nhiều người lo ngại khi Đỗ Bích Thúy chuyển về Hà Nội, rằng việc chị rời xa miền đất ruột thịt thì sẽ không thể viết tiếp về miền núi được nữa. Nhưng Đỗ Bích Thúy đã chứng minh điều ngược lại: “Lâu tôi mới về. Tôi thường cảm thấy tôi giống tôi nhất khi về miền núi”. Dường như khoảng cách địa lý và thời gian chỉ càng làm tình yêu của Đỗ Bích Thúy sâu hơn, rộng hơn, mãnh liệt hơn mà thôi. Với chị, “dù ở dưới thung lũng hay ở trên những ngọn núi, tôi đều có thể tìm lại được cái phần mình đã làm rơi khi rời nơi này mà đi”.

Ngay cả khi giờ đây, với chị, Hà Nội đã “không còn là nơi ở trọ”, Hà Nội đã trở nên thân thuộc biết bao nhiêu, bởi “đã đón nhận tất cả những người thân của tôi và còn trao thêm cho tôi những người thân mới”, thì đó cũng chỉ là thêm một mảnh đất, thêm một tình yêu, thêm một xúc cảm kết nối Đỗ Bích Thúy với quê hương của mình. Những hồi ức kết nối ấy “giống như kim cương, chỉ có thể được tìm thấy bởi núi lửa phun trào. Sáng lấp lánh và không thể đập vỡ”.

Nhà văn Nguyên Hương nhận xét: “Chỉ khi ở trong miền núi, Thúy mới thật là Thúy. Tại đó, người ta thấy những lối đi đã có từ xa xưa lắm rồi, và có một người thi thoảng lại trở về, để viết, để yêu, để được làm một chiếc lá xanh non bé bỏng …”. Còn Đỗ Bích Thúy thì bày tỏ: “Tôi thích, mình là viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”.

Độc giả của Đỗ Bích Thúy vẫn luôn chờ đợi những ngọn lửa mà chị nhóm lên trong mỗi cuốn sách mới được “chào đời”. “Than đỏ dưới tro tàn” do Liên Việt và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn liên kết xuất bản. Tập sách được xem như là phần tiếp theo, nối dài của cuốn “Tôi đã trở về trên núi cao”, ra mắt năm 2018, được nhiều độc giả yêu thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.