Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viên sĩ quan phiên dịch tại Trại Davis

Việt Dương| 15/04/2015 07:12

(HNM) - Biết tôi muốn tìm hiểu về đội ngũ sĩ quan phiên dịch của ta tại Ban Liên hợp quân sự, đóng quân giữa sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng vây của kẻ thù, Đại tá Vũ Nam Bình, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trại Davis cung cấp cho cả một danh sách.


Tiếc rằng, do điều kiện, tôi chỉ mới liên lạc được với một người, nghe ông nói chuyện về gia đình, về những ngày ông cùng đồng đội hoạt động trong lòng địch. Ngày 30 - 4 - 1975 đối với ông là những kỷ niệm không thể nào quên.

Ông Nguyễn Huy Hiệu (bên trái) kể lại những kỷ niệm khó quên.



Căn nhà cấp 4 ba gian nằm sâu trong con ngõ nhỏ xóm Quan Hoa. Ba phía tường nhà là giá sách. Hàng nghìn quyển sách, phần nhiều là sách tiếng Anh, nhiều quyển đã ố vàng theo thời gian. Chủ nhân là ông Nguyễn Huy Hiệu, vóc dáng mảnh dẻ, kiệm lời. Ông Hiệu nguyên là Phó Chánh Văn phòng - Đối ngoại Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), về hưu đã 5 năm. Ông cho chúng tôi xem tập ảnh kỷ niệm những ngày ông là sĩ quan phiên dịch trong Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên, rồi 2 bên. 823 ngày đêm sống, chiến đấu giữa vòng vây của kẻ thù, ông cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao quân sự, đấu tranh buộc đối phương thi hành Hiệp định Paris, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Ông Hiệu kể: "Đầu tháng 1 - 1973, tôi được lệnh điều động vào quân đội, chuẩn bị làm nhiệm vụ đặc biệt. Khoảng 20 người giỏi tiếng Anh, từ các trường đại học Ngoại ngữ, Ngoại thương, từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… tập trung ở Sơn Tây. Lúc ấy tôi chưa đầy 24 tuổi". Tại đây, các ông được học tập về chủ trương, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình hình, nhiệm vụ và đặc biệt được tìm hiểu kỹ về Dự thảo nội dung Hiệp định Paris. Cấp trên quán triệt: Nếu địch ký Hiệp định, tất cả sẽ lên đường. Cùng lúc đó, đã có một đoàn phiên dịch đi đường bộ lên đường vào các điểm tập kết ở các vùng địa phương.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Ngày 28, ông Hiệu có mặt trên chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn, đưa Đoàn đại biểu quân sự ta hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Sau hơn một ngày đấu tranh căng thẳng, đối phương buộc phải từ bỏ yêu sách đòi đoàn ta làm thủ tục nhập cảnh, các ông vào Trại Davis, bắt đầu cuộc chiến đấu kéo dài 823 ngày đêm giữa lòng địch.

Có thể nói cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ công tác tại Trại Davis là những chiến sĩ ưu tú của Đảng, của Quân đội ta. Không chỉ giỏi đấu tranh ngoại giao, kiên trì buộc đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, họ còn khiến đối phương và bạn bè quốc tế phải nể phục về trí tuệ và phong cách ứng xử văn hóa.

Sau này, nguyên Đại tá, Trưởng phòng Tình báo quân đội Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Học khai: "Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra, khiến những sĩ quan có hạng như chúng tôi cũng phải lắc đầu".

Ông Hiệu được phân công về tổ Trao trả tù binh và nhân viên dân sự, sau là tổ Tìm kiếm người chết và mất tích trong chiến tranh. Ông đi khắp nơi trên máy bay do phi công Mỹ lái, có mặt tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị), ra đảo nhà tù Phú Quốc… làm nhiệm vụ. Trong hơn 2 năm, ông đã 17 lần bay từ Sài Gòn ra Hà Nội trong những chuyến bay liên lạc thứ sáu hằng tuần. Mỗi lần như thế, mẹ ông và thân nhân của anh em ta đều được Tổng cục Chính trị cho xe đón ra sân bay tranh thủ gặp nhau. Người em trai đóng quân ở xa cũng có lần được cấp trên cho đi tranh thủ về gặp anh. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động. Có đồng chí phiên dịch của ta vào chiến trường đã lâu ngày, được bố trí ra Bắc theo chuyến bay liên lạc, tranh thủ gặp vợ tại phòng riêng trong sân bay Gia Lâm và kết quả là một đứa trẻ kháu khỉnh ra đời trong niềm xúc động của dòng họ.

Ban Liên hợp quân sự ngày nào cũng họp, có hôm đến 4h sáng hôm sau, vì thế các sĩ quan phiên dịch cũng phải làm việc với cường độ cao. Phiên dịch tại các buổi hội đàm, họp báo, tiếp xúc với Ủy ban Quốc tế, soạn công hàm, công văn thường do các ông La Côn, Lê Mai chịu trách nhiệm. Ông Lê Mai từng là phiên dịch cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từng đi khắp thế giới, phiên dịch tại Hội nghị Paris. Các ông Vũ Dũng, Trần Đăng Khánh thường chịu trách nhiệm phiên dịch tại các buổi họp báo quốc tế. Trại Davis còn có bà Nguyễn Ngọc Dung từ Hội nghị Paris bay về, mang quân hàm Thiếu tá tiểu ban Trao trả, rất xinh đẹp, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp.

Ông cho biết một chi tiết thú vị, khi soạn công văn hay nói tiếng Anh, anh em mình toàn dùng giọng Anh - Anh chuẩn, để khác đối phương là tay sai Mỹ, học ở Mỹ về nên nói tiếng Anh giọng Mỹ.

Tôi hỏi ông: Ngày 30-4 các ông làm gì? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông lấy cho tôi xem trang nhật ký ông ghi chép trong đúng ngày ấy. Trang giấy đã ố vàng, mực đã mờ: "30-4. Pháo vẫn bắn rất căng vào buổi sáng. Nghe đài, biết là thằng địch đã đầu hàng tuy vậy vẫn chưa có lệnh ra khỏi hầm, thỉnh thoảng vẫn còn tiếng pháo. Im lặng, vẫn sẵn sàng chiến đấu. Rồi thấy có tiếng nói là anh em mình đã vào. Nhảy vọt lên khỏi hầm chạy ra đường và thấy những anh em đầu tiên chạy vào. Mừng quá, cảm động rơi nước mắt. Phương Nam và Đệ (hai phóng viên của đoàn) cứ chụp ảnh. Đứng xen giữa vào tốp bộ đội. Cũng quần áo như họ, toàn đất cát, chân đi dép cao su, đeo súng lục. Xong, về nhà soi gương thì thấy mắt sâu hoắm lại, râu quá dài phải cạo đi vội vàng. Rồi từ đó cứ chuyện trò với anh em trong khi ở phía TTM (Bộ Tổng tham mưu địch) đạn vẫn còn nổ, vẫn còn đánh nhau ở đó, bọn địch vẫn kháng cự. Trên tháp nước cao, cờ đã bay phấp phới. Coi bộ mình cũng là anh lính chiến thực sự. Bộ đội đánh hăng quá, ai cũng trẻ, chỉ bực một cái là được bắn súng ít quá. Ngoài đường vẫn lổn nhổn mũ áo, ba lô của lính ngụy bỏ chạy lúc 9 - 10h sáng. Xe cắm cờ ta chạy đi chạy lại. Bộ đội ta hành quân qua. Tiếng chào hỏi, nhận đồng hương ríu rít. Xung quanh, ở phía xa các cột khói vẫn bốc lên".

Ông cho biết, ngày 30-4 và những ngày sau, Sài Gòn rất bình yên, nhân dân có thiện cảm với bộ đội giải phóng. Một lần, ông ra phố, đến một cửa hàng bán sách, cầm một quyển Linguistic tiếng Anh xem. Nhiều người dân Sài Gòn rất ngạc nhiên thấy anh bộ đội giải phóng trẻ măng lại xem sách chuyên sâu tiếng Anh.

Cuối tháng 12-1975, ông được giải ngũ, về tiếp tục dạy học, làm Tổ trưởng Bộ môn Dịch khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1977 được đi tu nghiệp tại Anh quốc và năm 1985 lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh tại Australia. Năm 1986, ông đã dịch cabine phục vụ Đại hội Đảng VI. Năm 1992, ông chuyển công tác về Vietnam Airlines, làm Phó Chánh Văn phòng - Đối ngoại cho đến khi về hưu năm 2010. Đi công tác tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, đến đâu ông cũng chịu khó tìm mua sách. Trong thời gian này, ông đã biên soạn Từ điển Hàng không. Đến nay, ông vẫn được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước mời cộng tác. Vợ ông (đã nghỉ hưu) và hai người con đều công tác tại Bộ Ngoại giao. Người em trai ông là sĩ quan quân đội chuyển ngành cũng có một gia đình hạnh phúc.

Ông Hiệu vẫn giữ liên lạc với đồng đội cũ. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Hằng năm Ban Liên lạc cựu chiến binh Trại Davis vẫn tổ chức gặp mặt vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, cùng ôn lại truyền thống Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viên sĩ quan phiên dịch tại Trại Davis

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.