Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện phí mới, trách nhiệm mới

Thu Trang| 06/07/2014 02:37

(HNM) - Điều mà nhiều người dân băn khoăn, lo lắng nhất mỗi lần viện phí tăng là liệu chất lượng khám, chữa bệnh có tăng tương ứng?



Trước thực tế trên, Hà Nội sẽ xem xét việc điều chỉnh giá hơn 1.300 dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) tại kỳ họp thứ 10 HĐND khóa XIV sẽ khai mạc ngày 8-7 tới. Điều mà nhiều người dân băn khoăn, lo lắng nhất mỗi lần viện phí tăng là liệu chất lượng khám, chữa bệnh có tăng tương ứng?

Hà Nội sẽ xem xét điều chỉnh giá hơn 1.300 dịch vụ khám, chữa bệnh tại kỳ họp HĐND thành phố khai mạc ngày 8-7. Ảnh: Bá Hoạt


Hướng tới BHYT toàn dân

Lý giải về việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB lần này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc áp dụng giá viện phí theo Nghị quyết 13 thời gian qua không chỉ giúp ngành y tế nâng cao chất lượng KCB mà quyền lợi của người bệnh cũng được nâng lên. Cụ thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV dành tối thiểu 15% tiền giường và tiền KCB để tái đầu tư cho các hoạt động của BV. Do đó, nhiều BV đã có điều kiện đầu tư trang thiết bị, tăng thêm giường bệnh, lắp đặt điều hòa... nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, sau gần một năm áp giá viện phí mới cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc như: Một số kỹ thuật có giá chưa hợp lý, một số kỹ thuật mới chỉ tính một phần chi phí chứ chưa tính đúng, tính đủ; thậm chí, một số dịch vụ chưa tính giá...

Phó Giám đốc BV Đa khoa Sóc Sơn Tạ Văn Sứng cho biết, giá viện phí tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế. Dẫn chứng là một số vật tư y tế như: Bông băng, cồn, gạc, hay một số tiểu phẫu đơn giản... không thu phí, do đó BV vẫn phải bỏ một phần kinh phí để bù vào. Chính vì vậy, tại BV đã xảy ra nghịch cảnh viện phí tăng nhưng doanh thu lại giảm. Với việc điều chỉnh lần này sẽ giúp cho các cơ sở y tế tăng thu và tăng đầu tư cho công tác KCB được tốt hơn.

Tương tự, tại BV Phụ sản Hà Nội, Giám đốc BV Nguyễn Duy Ánh cũng cho rằng, nếu thực hiện một ca mổ đẻ thông thường với chi phí thực tế như: Chỉ khâu hoặc truyền máu sau đẻ nhưng trong biểu giá áp dụng lại chưa đề cập đến những chi phí này. Nếu BV thu thêm của bệnh nhân sẽ sai quy định nhưng không thu thì sẽ chịu lỗ. Trong khi đó nhiều BV trung ương và các bộ, ngành trên địa bàn thành phố đã áp dụng mức tối đa (100% giá trần). Điều này dẫn đến việc trên cùng một địa bàn, cùng một dịch vụ nhưng có hai mức giá làm ảnh hưởng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Để bảo đảm quyền lợi của người KCB BHYT, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, mục đích của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ bảo đảm cho người bệnh khi đến KCB tại BV hạng I của Hà Nội cũng được thanh toán giống với các BV hạng I của trung ương và các bộ, ngành. Nghĩa là cùng KCB trên địa bàn thành phố thì được hưởng giá dịch vụ như nhau. Mặt khác, với sự điều chỉnh này cũng sẽ giúp giảm tải cho các BV tuyến trung ương. Chẳng hạn với giá dịch vụ KCB như hiện tại thì cùng là BV hạng I nhưng các BV của Hà Nội lại có mức thanh toán BHYT thấp hơn BV tuyến trung ương. Như vậy, người bệnh sẽ dồn về tuyến trung ương, gây quá tải. "Điều chỉnh lần này không ảnh hưởng đến chi phí của người bệnh mà mục tiêu là bảo đảm quyền lợi của người KCB BHYT và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân", ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Đòi hỏi trách nhiệm mới

Trên thực tế, giá viện phí mới sẽ tăng 20%, đồng nghĩa với việc những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng không phải ai khác chính là những bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y như: Ung thư, suy thận, bạch cầu cấp... Tuy nhiên, việc điều chỉnh viện phí lần này không gây lo ngại nhiều cho các bệnh nhân nghèo khi Luật BHYT sửa đổi cũng sẽ song song được áp dụng. Từ ngày 1-1-2015, khi đi KCB, người nghèo được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì 95% chi phí như hiện nay. Vì lẽ đó, ngay tại Sóc Sơn, một huyện khó khăn nhất của Hà Nội, không ít người tỏ ra bình thản khi đón nhận thông tin này. Bà Vương Thùy Bẹo (xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) nói: Trên thị trường nhiều mặt hàng tăng giá thì viện phí tăng cũng là việc đương nhiên. Điều quan trọng hơn cả là viện phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ phải tốt thì mới được.

Trước những băn khoăn đó của người dân, ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nâng cao chất lượng KCB là yếu tố sống còn của ngành y tế. Dù có điều chỉnh hay không điều chỉnh giá dịch vụ thì ngành vẫn phải chỉ đạo nâng cao chất lượng KCB từ tuyến xã, đến tuyến huyện, thành phố. Ngay trong những tháng đầu năm 2014, ngành y tế Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giảm quá tải tại các BV. Cụ thể, các BV đã sắp xếp lại các khoa điều trị thường xuyên có tình trạng quá tải như: Khoa Sơ sinh, khoa Nhi, khoa Tiết niệu của BV Đa khoa Xanh Pôn; khoa Xạ trị, Hóa chất của BV Thanh Nhàn; khoa Sản của BV Phụ sản Hà Nội… Nhiều BV đã thực hiện sắp xếp giường bệnh thực kê linh hoạt tại các khoa nên hầu như không còn tình trạng người bệnh nằm ghép. Hiện ngành y tế Thủ đô cũng đang thực hiện việc luân phiên bác sĩ ở BV hạng I cho các BV tuyến huyện với thời gian 2 năm. Cụ thể như từ ngày 1-7, 8 bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội và BV Đa khoa Xanh Pôn sẽ được điều động để hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyên môn cho BV Đa khoa huyện Phúc Thọ, một BV tuyến huyện đang thiếu trầm trọng bác sĩ. Mặt khác, ngành cũng đang triển khai phối hợp giữa các BV đầu ngành với Trung tâm Y tế quận, huyện, trạm y tế xã, phường tổ chức triển khai mô hình quản lý và điều trị các bệnh mãn tính, như: Tăng huyết áp, tiểu đường... ngay tại cộng đồng.

Đối với các cơ sở KCB, việc thu viện phí mới phải đồng nghĩa với một trách nhiệm mới, đó là nâng cao chất lượng KCB, cải thiện thái độ phục vụ với người bệnh, giảm thời gian chờ đợi, tăng cường trang thiết bị hiện đại... Một mong muốn mà mọi người dân đều hướng tới là được hưởng một sự phục vụ tương xứng, sao cho vừa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường nhưng vẫn bảo đảm yếu tố an sinh xã hội.

Theo đề xuất điều chỉnh tăng phí dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế công lập lần này thì BV hạng I sẽ tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; hạng II từ 75% lên 95% và hạng III là các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; tương tự trạm y tế được tăng từ 65% lên mức 85% giá trần. Bên cạnh đề xuất điều chỉnh giá, 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có giá cũng được đề nghị bổ sung. Nếu đề xuất này được HĐND thành phố thông qua thì việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB sẽ bắt đầu từ ngày 1-8 tới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện phí mới, trách nhiệm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.