Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Đức Chung

Chu Dũng| 30/12/2021 16:45

(HNMO) - Chiều 30-12, phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan tiếp tục với phần tranh luận.

Đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ ngay tại buổi đầu tiên xét hỏi đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm quy định về đấu thầu, nhưng luật sư của bị cáo lại đưa ra các luận điểm khẳng định thân chủ của mình không phạm tội, không gây thiệt hại. Theo đại diện Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo nguyên cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng rất rõ ràng khi chỉ còn 5 phút nữa mở thầu, xét thầu, thì các bị cáo đã có hành vi để dừng thầu. “Rõ ràng đây là việc không minh bạch, công bằng”, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Trong phần tranh luận, có luật sư cho rằng, vụ án này không có hậu quả, cách tính thiệt hại không thỏa đáng. Đối đáp với quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, các bị cáo sau khi dừng thầu đã có tiếp xúc với Công ty Nhật Cường, tạo lợi thế để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi: Người đi thi được gửi trước đầu bài thì có phải tạo lợi thế không? Đấu thầu mà có thông thầu, có “quân xanh, quân đỏ” thì có bảo đảm công bằng không? Liệu có phải hủy kết quả đấu thầu này không? Cơ quan chuyên môn đã có trả lời, rõ ràng có đủ căn cứ để hủy. Mà hủy thì hợp đồng vô hiệu, nhà thầu phải chuyển lại toàn bộ tiền đã được Nhà nước thanh toán. Sau khi trúng thầu, nhà thầu thực hiện như thế nào? Có vi phạm không khi các bị cáo thừa nhận, sau khi trúng thầu, Nhật Cường bán thầu cho Đông Kinh để nhận 19 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, nhiều luật sư khẳng định, phải đưa Công ty Nhật Cường vào buộc đền bù dân sự. Đối đáp quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát nêu, rất mong luật sư nào có thông tin Giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy ở đâu? Ai là người đại diện pháp luật? Công ty Nhật Cường hoạt động như thế nào?, đề nghị cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là vụ thứ hai liên quan đến Công ty Nhật Cường, trong khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, đang bị truy nã. Các giám đốc tài chính, trưởng các ngành hàng đang chấp hành án, đã xác minh Công ty Nhật Cường không còn tài sản nữa. Đây là vụ án đồng phạm nên đương nhiên các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự và được giành quyền khởi kiện đối với Bùi Quang Huy để đòi bồi hoàn.

Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, Công ty Nhật Cường khi tham gia liên danh Nhật Cường - Đông Kinh chỉ “góp” được mấy email gửi cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, “góp” cái tên doanh nghiệp Công ty Nhật Cường và cái tên Bùi Quang Huy. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, việc buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường là có căn cứ, đúng pháp luật. Và thực tế, các bị cáo rất có ý thức khắc phục hậu quả khi tại tòa nhiều người đã động viên gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc đình chỉ gói thầu là có căn cứ, không liên quan gì đến email mà Bùi Quang Huy gửi cho bị cáo. Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chỉ ra được việc chỉ đạo dừng thầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung là sai quy định. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, chưa bao giờ kết luận việc ông Chung đã đọc email mà Bùi Quang Huy gửi hay chưa. Đồng thời, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Tứ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm đó xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước. Do vậy, Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Đức Chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.