Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viễn cảnh khả quan về một tương lai ''không tiền mặt''

Nhã Uyên| 17/11/2021 17:21

(HNNN) - Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt đã thể hiện rõ ưu thế về tính an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh. Đó cũng là lời giải thích thuyết phục cho xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ các hoạt động thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử hoặc các ứng dụng fintech không dùng tiền mặt của ngân hàng đang trở nên phổ biến.

Các hình thức thanh toán không tiếp xúc như ví điện tử, QR code... đang ngày càng được sử dụng phổ biến.

Tiền mặt “không còn là vua”

“Tại sao phải tốn thời gian đi rút tiền mặt tại ATM trong khi chiếc thẻ của mẹ có thể thanh toán trực tiếp tại điểm giao dịch mua sắm, ăn uống mà còn được hoàn tiền không giới hạn?”, đó là câu nói của cô con gái 22 tuổi tên Thương nói với chị Hằng khi chị kêu nhà hết tiền mặt, phải đi rút tiền trước khi đi siêu thị Aeon ở quận Long Biên, Hà Nội vào cuối tuần qua. Ở tuổi 50, chị Hằng vẫn có thói quen dùng tiền mặt, nên khi con gái nói thế chị mới ngớ người ra: “Ừ nhỉ!”. Hơn nữa, khi biết mẹ đang định “chốt” nhiều đơn hàng được giảm giá “đậm” trước cả tuần nhân dịp “Lễ độc thân” (ngày 11-11) của các sàn thương mại điện tử, Thương đã cài cho mẹ ứng dụng Ví điện tử Momo trên smartphone để chị thanh toán nhiều món hàng lặt vặt, khi không tiện dùng thẻ ngân hàng.

Thương là một trong số khoảng 13 triệu người thuộc “thế hệ Z” (“Gen Z” - từ 15 tới 24 tuổi) thể hiện sự tin tưởng, hào hứng đối với các dịch vụ thanh toán và kênh tiêu dùng mới như ví điện tử, thương mại điện tử trên mạng xã hội. Dự kiến, đến năm 2025, “Gen Z” sẽ chiếm khoảng 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước, cũng như thói quen tiêu dùng.

“Tiền mặt là vua” đã là chuyện cách đây vài năm. Giờ đây, khi đi ăn hay mua sắm với bạn bè, nhiều người, nhất là giới trẻ đã dần hình thành thói quen quét mã QR trên bàn ăn, hoặc đưa mã QR cá nhân trên smartphone của mình cho nhân viên thu ngân là có thể thanh toán. Bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt, ví điện tử... cũng là phương thức được nhiều người sử dụng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ví điện tử càng có đất để “dụng võ”.

Giải thích cho xu thế này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết: “Dịch bệnh bùng phát khiến người dân ở nhà nhiều hơn, không đi đâu được nên họ bắt đầu tìm đến thanh toán điện tử. Trước đây họ có thói quen ra ngoài mua thẻ cào điện thoại, thanh toán tiền điện nước... thì bây giờ họ phát hiện hóa ra chỉ cần ở nhà và sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử trên smartphone là có được hầu hết các dịch vụ mà họ muốn”.

Theo khảo sát của Visa, 57% người tiêu dùng hiện có tới 3 ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Bên cạnh các ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay (trước đây là Airpay), Appota Pay..., mới đây thị trường lại xuất hiện “tân binh” ví điện tử Mobifone Pay. Cùng với đó, mã QR đang được dùng ở khá nhiều nơi tại Hà Nội.

“Khi đi taxi, tôi hay thanh toán phí qua Moca hay Momo bằng mã QR tương ứng. Tôi chỉ việc bật ứng dụng, quét mã QR đó, nhập số tiền là hoàn tất, rất tiện lợi”, chị Phùng Thanh Ngọc, nhân viên Ngân hàng Shinhan tại phố Lê Thái Tổ chia sẻ. Cũng theo quan sát của chị Ngọc, trên phố cổ, các sạp hàng bày bán rất nhiều đồ ăn đường phố như cánh gà, thịt xiên nướng, tôm hấp, trà sữa, cà phê, nước uống, hoa quả dầm. Người bán dán mã QR lên quầy thanh toán, lên tường, hoặc thậm chí làm thành thẻ đeo trước ngực. Giao dịch được thực hiện chỉ với vài lần chạm điện thoại. Kể cả những người bán hàng lớn tuổi cũng bắt kịp xu hướng này. Trong khi đó, nhiều nhà hàng F&B cao cấp còn dán mã QR lên góc bàn để thực khách quét và xem thực đơn. Đến cuối bữa, họ cũng dùng điện thoại để trả tiền.

Đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội -  Transerco đã cho phép khách hàng sử dụng ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng quét mã QR để thanh toán cho các giao dịch mua vé xe buýt tháng. Ông Đào Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử) dự báo, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3 - 5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money, ví điện tử trở thành dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh thị phần rộng lớn.

Thêm tiện ích để thu hút khách

Hiện các ví điện tử đang cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)...

Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với khách hàng thì sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, cái khó trong cạnh tranh là phải giữ được khách hàng, duy trì sản phẩm để họ trung thành và hạnh phúc khi sử dụng. Chính vì thế, MoMo đã đưa ra rất nhiều chương trình giải trí như Học viện MoMo, Ngày hội siêu Deal... để khách hàng cảm thấy đây không chỉ là sản phẩm thanh toán khô cứng mà là sản phẩm có thể tương tác được. Mới đây, Moca và Tiki đã “bắt tay” để tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh cho người dùng, đa dạng hóa các lựa chọn thanh toán không tiền mặt. Người dùng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab có thể thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng Tiki một cách nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời được hưởng thêm nhiều ưu đãi với điểm thưởng GrabRewards và Tiki Xu tích lũy sau mỗi giao dịch. Hiện Moca đang có liên kết trực tiếp với 25 ngân hàng và một ngân hàng số tại Việt Nam, giúp người dùng thanh toán dịch vụ di chuyển, đặt đồ ăn, đi chợ hộ... trên ứng dụng Grab.

Có thể thấy, một tương lai “không tiền mặt” là viễn cảnh khả quan tại Việt Nam, nhất là tại thành phố lớn như Hà Nội, khi người tiêu dùng gia tăng tần suất sử dụng thanh toán không tiền mặt để hoàn tất giao dịch cho các khoản chi tiêu hằng ngày. Song, người tiêu dùng cũng phải cảnh giác, đề cao tính an toàn và bảo mật, nhất là khi thực hiện giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, để đảm bảo an toàn, các công ty cung cấp ví điện tử cần tăng cường bảo mật để ngăn chặn sự tấn công của kẻ gian. Các giao dịch qua ví cần có cả mật khẩu ví lẫn OTP. Ngoài ra, các ví cũng cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề đổi mật khẩu để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viễn cảnh khả quan về một tương lai ''không tiền mặt''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.