Bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” đã khép lại, dành quyền cho chủ nhân số nhà 6B, 6C Lý Nam Đế được phá bỏ bức tường ngăn cách giữa số nhà 6 với ngõ 4B Lý Nam Đế, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) đã tiếp tục thổi bùng bức xúc của 38 hộ dân của khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Các hộ dân cho rằng, bản án vẫn còn những điều bỏ ngỏ chưa được giải quyết đến cùng.
Ngõ đi số nhà 4B và số nhà 6 là hai khu độc lập
Ngày 20-3, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm, xét xử vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” do trước đó, bản án sơ thẩm số 96/2023/HCST ngày 24-5-2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng cáo vì công nhận chủ sử dụng số nhà 6B, 6C Lý Nam Đế được quyền mở lối đi ra ngõ khu tập thể 4B Lý Nam Đế. 38 hộ dân khu tập thể 4B Lý Nam Đế bất bình bởi đây là phán quyết không tôn trọng thực tế khách quan và chưa xét đến cùng bản chất sự việc.
Trên thực tế, lối vào khu tập thể 4B Lý Nam Đế và khuôn viên số nhà 6 (gồm các số nhà: 6, 6A, 6B, 6C) Lý Nam Đế là hai khu riêng biệt, độc lập, được ngăn cách bằng bức tường hình thành từ khoảng năm 1960. Trước năm 1998, ba khu nhà số 4, 6, 8 Lý Nam Đế thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Năm 1988, nhà số 6 (rộng gần 300m2) được Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cấp cho một vị tướng là cán bộ tiền khởi nghĩa. Đến tháng 12-2001, Tổng cục Chính trị có quyết định chuẩn y cho 2 con gái của vị tướng này thuê căn hộ 6B và 6C Lý Nam Đế - vốn là 2 căn hộ trong cùng khuôn viên nhà số 6.
Trong các năm 2002, 2003, thửa đất số 6 Lý Nam Đế được cấp thành 4 sổ đỏ, gồm các số nhà: 6, 6A, 6B, 6C. Chủ số nhà 6A đã trích lại một phần đất làm ngõ đi để người ở số nhà 6B và 6C có lối ra phố Lý Nam Đế.
Năm 2016, ông Nguyễn Quang Vinh (phố Lý Nam Đế) mua lại 2 căn số 6B, 6C và gộp thành một sổ đỏ, nhưng trên sổ đỏ không thể hiện lối đi ra phố Lý Nam Đế. Sau khi bán căn 6B, 6C, chủ căn hộ số 6A bịt lối đi nên căn 6B, 6C không còn lối ra phố Lý Nam Đế.
Lấy lý do này, ông Vinh có đơn xin khu tập thể 4B cho mở lối ra ngõ 4B, nhưng không được đồng ý. Năm 2019, ông Vinh xin cấp phép xây dựng với nội dung phá dỡ bức tường ngăn giữa nhà 6B, 6C và ngõ 4B để làm lối đi ra ngõ 4B, nhưng UBND quận Hoàn Kiếm kết luận, hồ sơ không đủ điều kiện cấp phép. Vì vậy, ông Vinh đã khởi kiện quyết định giải quyết đơn khiếu nại của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ
Với nhận định, diện tích ngõ đi chung của các hộ dân ở khu tập thể 4B Lý Nam Đế không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ và đã được cập nhật là đất công do UBND phường Hàng Mã quản lý; mặt khác, diện tích ngõ đi trước kia của số nhà 6B, 6C nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của số nhà 6A, nên không có căn cứ cho rằng đây là lối đi chung của số nhà 6... Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm số 96/2023/HCST ngày 24-5-2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Không đồng ý với phán quyết này, các hộ dân khu tập thể 4B Lý Nam Đế khẳng định, phải xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trong số nhà 6 và làm rõ quá trình sử dụng đất trước khi được cấp sổ đỏ. Điều này sẽ làm sáng tỏ được chi tiết số nhà 6B, 6C khi được Bộ Quốc phòng cho thuê đi theo lối nào? Vì sao khi cấp sổ đỏ cho các hộ ở số nhà 6 lại không trích lại một phần đất làm lối đi, trong khi pháp luật quy định nếu tách thửa thì phải để lối đi chung?
Mặt khác, bức tường ngăn cách giữa số nhà 6 và ngõ 4B Lý Nam Đế do ai xây dựng, thuộc quyền sở hữu của ai, xây dựng trên đất ai quản lý cũng không được cả hai cấp xét xử làm rõ. Nếu bức tường thuộc thửa đất số 6 thì tại sao chủ đất cũ của thửa số 6 cũng như ông Vinh lại phải xin khu tập thể mở lối đi ra ngõ 4B? Trong khi đó, hàng chục năm qua, ngõ 4B vẫn chỉ do riêng khu tập thể quản lý, sử dụng...
Thêm một chi tiết khiến các hộ dân khu tập thể 4B Lý Nam Đế đặt dấu hỏi, đó là, tại “Giấy ghi nhận bàn giao chìa khóa nhà chuyển nhượng” giữa ông Vinh và chủ số nhà 6A đã thỏa thuận: “Bên B tự mở cửa vào đường đi chung (qua cổng 4B Lý Nam Đế), không đi nhờ hoặc lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng của các căn hộ bên cạnh, thuộc nhà số 6, 6A Lý Nam Đế”. Việc thỏa thuận này là không có căn cứ vì trái với nguồn gốc hình thành quyền sử dụng đất của các hộ cùng chung số nhà 6, 6A, 6B, 6C và không phù hợp với thực tế khách quan trong việc sử dụng ngõ 4B.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng, Công ty Luật hợp danh JDC Việt Nam (quận Hoàng Mai), các phiên tòa nói trên vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc hình thành quyền sử dụng đất của các hộ dân tại số nhà 6 Lý Nam Đế. Các bản án mới phản ánh thời điểm sử dụng nhà, đất từ năm 2002 trở lại đây. Nếu các hộ 6B, 6C được tách ra từ số nhà 6 thì theo quy định pháp luật, thửa đất này phải chừa lại một diện tích nhất định dành làm lối đi cho hai căn hộ này ra phố Lý Nam Đế.
Mặt khác, việc tranh chấp lối đi chung nêu trên là tranh chấp đất đai, phải được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Việc gộp cả hai quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ án là vi phạm pháp luật, cần hủy bản án sơ thẩm...
Theo Khoản 1 và điểm b, Khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; Văn bản số 01/2017/G Đ-TANDTC ngày 7-4-2017 về việc giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án nhân dân Tối cao, tại phần V, mục 5 giải thích: Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện mà không phụ thuộc vào việc các quyết định này còn hay hết hiệu lực... Điều này có nghĩa, một bản án công minh thì cần đặt ra vấn đề xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ tại số nhà 6 là đúng hay sai? Căn cứ nào cho phép số nhà 6 không phải chừa lại lối đi cho 2 căn hộ phía sau?
Các hộ dân khu tập thể 4B khẳng định sẽ đi đến cùng sự thật khách quan của việc xác định quyền sử dụng ngõ 4B Lý Nam Đế. Điều này đồng nghĩa với việc, những điều còn bỏ ngỏ hiện nay sẽ được làm rõ trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.