Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc thu, chi đầu năm học 2019-2020: Tăng minh bạch để chống lạm thu

Thống Nhất| 29/09/2019 06:32

(HNM) - Trước thềm năm học 2019-2020, mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, song đến nay một số trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn để xảy ra hiện tượng lạm thu. Tăng tính minh bạch, nghiêm khắc xử lý các sai phạm về thu, chi là giải pháp của ngành Giáo dục Hà Nội, với quyết tâm đưa việc này vào nền nếp.

Ngành Giáo dục Hà Nội xử lý trách nhiệm hiệu trưởng nếu để xảy ra sai phạm về thu, chi trong trường học. Ảnh: Bá Hoạt

Vẫn còn hiện tượng thu sai

Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Hà Nội thực hiện việc tăng học phí ở ba cấp học: Mầm non dưới 5 tuổi, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, với mức tăng mỗi tháng từ 5.000 đến 62.000 đồng/học sinh so với năm học trước, tùy khu vực. Theo ghi nhận của phóng viên, dù mức học phí tăng, song các gia đình đều đồng thuận. Mối băn khoăn, bức xúc của phụ huynh chủ yếu ở các khoản thu thỏa thuận của ban đại diện cha mẹ học sinh dưới danh nghĩa hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là thông tin phản ánh Trường Tiểu học Tráng Việt B (huyện Mê Linh) thu của mỗi học sinh 900.000 đồng để lắp máy điều hòa, máy chiếu, thiết bị bán trú, khiến nhiều phụ huynh bất bình. Điều đáng nói, trước đó, ngày 23-11-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND bãi bỏ quy định về việc đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường. Theo đó, các nhà trường hoặc phụ huynh không được đứng ra vận động quyên góp kinh phí để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất.

Ngày 24-9, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết: Trường Tiểu học Tráng Việt B đã hoàn trả toàn bộ số tiền thu từ phụ huynh. Thanh tra huyện Mê Linh đang làm rõ việc huy động tài trợ tại trường này. “Theo nhận định sơ bộ, nhà trường chưa thực hiện đúng nguyên tắc, vẫn quy định mức tài trợ bình quân cho từng học sinh và tự ý triển khai, không báo cáo cơ quan quản lý” - bà Trần Thị Lan cho biết.

Mặc dù ngày 29-7-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Văn bản số 3213/SGDĐT-KHTC quy định rõ 7 khoản không được thu, trong đó khoản thu bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh lớp học... Thế nhưng, theo phản ánh của một số phụ huynh Trường Trung học cơ sở Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), con, em họ vẫn phải trả tiền trông xe khi để tại trường.

Đề cập đến vấn đề thu, chi, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng, hỗ trợ kinh phí, công sức để cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh là mong muốn của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, một số trường lại làm tắt quy trình để có được sự thỏa thuận hoặc lạm dụng điều này để thu nhiều. Còn theo bà Trần Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm), nguyên nhân gây bức xúc còn có thể xuất phát từ cách thu cào bằng, khiến một số người buộc phải “tự nguyện”, vì sợ ảnh hưởng tới con mình.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, đến thời điểm này, công tác thu, chi năm học 2019-2020 của hơn 2.700 trường học trên địa bàn thành phố cơ bản đã nền nếp hơn so với các năm trước. Về một số thông tin phản ánh sai phạm liên quan đến việc thu, chi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xác minh, có phản hồi công khai và hình thức xử lý để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các sự việc tương tự.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm cao nhất

Với quyết tâm không để “nóng” chuyện thu, chi, gây bức xúc trong phụ huynh, năm học 2019-2020, ngày 6-5-2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành Văn bản số 1772/UBND-KGVX, trong đó nêu rõ: Cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra những khoản thu, chi và xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường để xảy ra lạm thu.

Minh bạch trong thu, chi là điều kiện cần thiết để phụ huynh đồng thuận cùng nhà trường cải thiện điều kiện học tập của học sinh. Ảnh: Mạnh Hà

Rút kinh nghiệm từ sự việc của Trường Tiểu học Tráng Việt B, bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết: Phòng đang tích cực kiểm tra công tác thu, chi của các trường học trên địa bàn để vừa kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có), vừa hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng quy định. Nếu đơn vị nào để xảy ra lạm thu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ xử lý nghiêm khắc hiệu trưởng nhà trường và xem xét hạ thi đua đối với tập thể.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, đơn vị đã phổ biến tới 100% nhà trường các khoản không được phép thu và đang kiểm tra từng đơn vị. Riêng việc vận động tài trợ, phòng yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng, đủ quy trình; không tự ý triển khai khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch.

Minh bạch trong công tác thu, chi cũng là “chìa khóa” mở tấm lòng của phụ huynh học sinh để họ sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường cải thiện điều kiện học tập của học sinh. Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: Để tạo sự đồng thuận, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và các lớp luôn tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch từ khi xây dựng kế hoạch đến khi hoàn thiện các phần việc, đồng thời xác định đúng nhu cầu của học sinh tại từng thời điểm. Với cách thức này, phụ huynh của trường đã hoàn thành việc cải tạo toàn bộ nhà vệ sinh của học sinh với kinh phí hơn 170 triệu đồng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm học 2019-2020, Sở chú trọng nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng phải kiểm soát và phê duyệt các khoản thu của từng lớp, trong đó có cả khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh. Để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin về thu, chi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã thông báo số điện thoại đường dây nóng 0888.996.970 và địa chỉ email: sogiaoduc@hanoiedu.vn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc thu, chi đầu năm học 2019-2020: Tăng minh bạch để chống lạm thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.