Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá tại xã Lê Lợi (Thường Tín): Đã giải quyết “thấu lý”

Thiện Mỹ| 16/06/2023 09:33

(HNMO) - Xã Lê Lợi, huyện Thường Tín đang thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Từ Vân. Tuy nhiên, việc này đang vấp phải sự phản đối của một số hộ dân. Đối chiếu với quy định pháp luật, ý kiến của các hộ dân đã được giải quyết thấu lý, song qua đây cũng cho thấy việc chuyển nhượng đất ruộng chưa đúng quy định của nhiều hộ dân đã gây nên những phức tạp hiện nay.

Diện tích được thu hồi, giải phóng mặt bằng là khu đất nông nghiệp ở xứ đồng Cửa Đình, thôn Từ Vân. Đây là diện tích nằm sát khu dân cư, thuận lợi về giao thông, có tổng mặt bằng 15.125,9m2; trong đó, diện tích của 288 hộ gia đình, cá nhân là 9.773,5m2 và đất do UBND xã quản lý là 5.352,4m2. Toàn bộ diện tích này đã được UBND huyện Thường Tín ban hành thông báo thu hồi đất từ ngày 16-12-2022. Cùng với đó, huyện cũng ban hành quyết định thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng của dự án... 

Xứ đồng Cửa Đình, thôn Từ Vân, xã Lê Lợi đang được thực hiện các thủ tục để tạo quỹ đất "sạch", phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở. 

Thực hiện thủ tục, UBND huyện đã ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt chi tiết bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ bị thu hồi đất... Việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho các hộ dân đã được tiến hành khẩn trương, tính đến ngày 15-6 đã có 207/288 hộ nhận tiền đền bù.

Giải thích việc vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Đăng Thênh cho biết, căn cứ Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31-12-2019 của UBND thành phố Hà Nội, về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024 và một số quy định về mức hỗ trợ khác thì tổng mức bồi thường, hỗ trợ chỉ là 820.000 đồng/m2. Trong khi đó, nhiều hộ trước đó đã mua gom ruộng của các hộ dân với mức giá cao nên đề nghị được nâng giá bồi thường, hỗ trợ. Do yêu cầu này không được đáp ứng nên nhiều người không đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng...

Tìm hiểu điều này trong số những hộ chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều người đã mua gom ruộng của các hộ khác vì có thông tin cho rằng, nơi đây sẽ được quy hoạch là đất ở, đất giãn dân... Tin vào điều này, nhiều người đã mua gom ruộng; thậm chí, có cá nhân đã mua gom ruộng của khoảng 20 hộ với mức giá khá cao.

Trước thông tin trên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú khẳng định, theo quy hoạch sử dụng đất của xã Lê Lợi từ năm 2012, khu ruộng Cửa Đình được quy hoạch là đất ở. Vì để lâu không triển khai dự án nên một số hộ đã mua gom ruộng. 

Việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Từ Vân có đầy đủ căn cứ pháp luật. Đó là việc dự án đã được HĐND thành phố Hà Nội chấp thuận; thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích trồng lúa trên địa bàn thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố (Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8-12-2022). Dự án cũng đã được HĐND huyện Thường Tín phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 29-9-2021... Căn cứ tính giá bồi thường, hỗ trợ đã đúng quy định hiện hành, nên không có cơ sở điều chỉnh tăng giá như đề nghị của các hộ dân...

“UBND huyện Thường Tín đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ còn lại, nhằm nhanh chóng hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch triển khai dự án” - ông Lê Tuấn Tú nhấn mạnh.

Như vậy, việc triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở nói trên đã “thấu lý”, song việc mua bán đất nông nghiệp trao tay đã gây ra những hệ lụy phức tạp trong việc triển khai dự án. Thực tế này là kinh nghiệm để xã Lê Lợi (nói riêng) và các địa phương khác (nói chung) trên địa bàn thành phố siết chặt hơn nữa công tác quản lý đất đai; đặc biệt, nên công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn trong việc chuyển nhượng đất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá tại xã Lê Lợi (Thường Tín): Đã giải quyết “thấu lý”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.