Chiến tranh đã qua đi nhưng để lại quá nhiều nỗi đau cho biết bao thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, các em đã làm gì để tỏ lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến, hy sinh để cho chúng ta có được cuộc sống bình yên như hiện nay?
Em Nguyễn Văn Minh (lớp 9A, Trường THCS Hòa Phú):
- Trong khuôn viên trường em có tượng đài liệt sĩ Hồng Quang, người con ưu tú của mảnh đất Ứng Hòa - Hà Nội đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Chúng em đã được các thầy cô kể về liệt sĩ Hồng Quang rất tường tận, do đó, chúng em rất thấu hiểu ý nghĩa từ sự cống hiến của các anh hùng liệt sĩ. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, trường em phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức hoạt động thăm hỏi, tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Ứng Hòa. Để tôn vinh và ghi công liệt sĩ, những người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương, chúng em hứa sẽ luôn cố gắng học tập, sống có ích, tích cực tham gia hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.
Em Trần Thu Hương (lớp 8C, Trường THCS Đan Phượng):
- Em có ý thức tích cực tham gia các chương trình "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Đi tìm địa chỉ đỏ", "Áo lụa tặng bà", tham gia tu sửa, làm sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ do nhà trường phát động. Những chương trình bổ ích này giúp chúng em nêu cao tình yêu quê hương đất nước, biết yêu thương và giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng… Cạnh nhà em cũng có một bác thương binh bị liệt một chân, việc đi lại, sinh hoạt đều khó khăn. Hằng ngày, em cùng các bạn trong xóm thường chia nhau giúp bác dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, đưa bác đi dạo ở công viên… Theo em, việc giúp đỡ những thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ cần được thực hiện hằng ngày chứ không phải chỉ riêng trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung (Trường Tiểu học Hạ Đình):
- Ngày 27-7 là dịp để giáo dục cho các em lòng biết ơn, trân trọng sự cống hiến của cha anh, những người đã ngã xuống, đã đổ xương máu để bảo vệ quê hương. Các nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, thăm hỏi, tặng quà, tặng học bổng cho con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho tất cả HS tham gia các hoạt động mang ý nghĩa về nguồn, tới các địa chỉ đỏ, căn cứ cách mạng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, giao lưu với thương - bệnh binh, cựu chiến binh, qua đó giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.